Checklist 8 việc sinh viên nhất định phải làm để dễ dàng gặt học bổng hơn

8 việc sinh viên cần làm để đạt học bổng trên đại học

Sau bài viết “Phương pháp học đại học giúp mình liên tiếp đạt học bổng xuất sắc”, mình vẫn nhận được khá nhiều câu hỏi và mong muốn đọc thêm nhiều những bài viết liên quan đến học bổng. Vậy nên, hôm nay mình quyết định chia sẻ bài viết mình tổng hợp những việc sinh viên nhất định phải làm để đạt học bổng trên đại học nhé. Hi vọng bài viết hữu ích với mọi người:

Contents

1. Tìm hiểu về tiêu chí đạt học bổng

học bổng đại học
Mẫu quyết định cấp học bổng của trường mình

Việc đầu tiên không thể thiếu trong danh sách trước khi bạn muốn đạt học bổng của bất kì trường nào chính là việc tìm hiểu tiêu chí làm thế nào để đạt học bổng của trường bạn đang theo học.

Các tiêu chí này hầu như trường nào cũng công bố rất rõ ràng thành các văn kiện đăng lên trang web chính chủ của trường nên bạn cố gắng đi tìm đọc bằng được nhé.

Ví dụ như đối với trường mình,

  • Để đạt loại Xuất sắc, cần đáp ứng đủ 02 điều kiện: Điểm trung bình học tập đạt từ 3.6/4.0 trở lên và điểm rèn luyện từ 90/100 trở lên
  • Để đạt loại Giỏi: Điểm TB từ 3.2 trở lên và điểm rèn luyện từ 80 trở lên

Ngoài ra, khi tính học bổng toàn khóa, nhà trường sẽ lấy danh sách một số lượng nhất định những bạn xuất sắc nhất từ trên xuống nên việc các bạn có điểm tích lũy và trung bình học tập càng cao thì khả năng nhận học bổng càng lớn nhé.

Ví dụ trường mình, trong danh sách học bổng toàn khóa:

+ 30 đầu danh sách sẽ nhận được học bổng 100%

+ 100-200 bạn tiếp theo nhận học bổng 75%

+ Những bạn còn lại trong danh sách nhận học bổng 50%

Bên cạnh loại học bổng KKHT kể trên, còn có một số học bổng khác đến từ doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài. Các bạn có thể theo dõi website hoặc fanpage của Phòng Quản lý đào tạo để cập nhật thường xuyên về những loại học bổng này nhé.

Ví dụ như mình, mình là sinh viên năm cuối nhưng năm nay mình mới biết tới học bổng Nitori của tập đoàn Nhật Bản ở trường mình nên đã mạnh dạn apply và may mắn nằm trong danh sách 10 bạn nhận được học bổng, và mình còn nhận được học bổng KKHT 75% của trường mình nữa. Cho nên, việc mọi người tìm hiểu sớm xem trường mình có những học bổng nào rất quan trọng mọi người nhé. Biết càng sớm càng được nhìu tiền học bổng mà phải hôngg

Học bổng trên đại học
Học bổng Nitori của tập đoàn Nhật Bản mà mình nhận được

2. Lên kế hoạch để đạt điểm trung bình học tập thật cao

Như mình đã nói ở trên, dù các bạn có muốn học bổng loại nào thì 2 yếu tố quan trọng không thể thiếu là điểm trung bình học tập và điểm rèn luyện.

Trước hết, đối với điểm trung bình học tập

Đối với sinh viên năm nhất, nhà trường sẽ giúp các bạn đăng ký môn học trong 1-2 kỳ đầu tiên tùy trường. Do đó, số lượng môn và cả khối lượng kiến thức còn khá nhẹ nhàng, thậm chí vì điều này mà các bạn thường có suy nghĩ lên đại học hoc rất nhàn. Tuy nhiên, các bạn không biết rằng, cái nhàn đó có lẽ chỉ xảy ra ở năm đầu tiên của đại học, và đây là thời cơ để các bạn chiếm thế thượng phong so với các bạn khác ngay từ đầu.

Hãy bỏ ngay tư tưởng “Kỳ này nháp, kỳ sau làm lại” hay “Đời sinh viên phải ít nhất một lần nợ môn” các bạn nhé, vì các bạn sẽ hối hận không kịp đâu. Lượng kiến thức và khả năng nâng điểm học tập càng về sau càng khó, cho nên hãy tranh thủ tập trung và nỗ lực hết mình ngay từ thời điểm đầu.

Điểm của bạn càng cao, bạn càng đỡ phải chật vật ở các kì học hay các năm học sau đó, vì mọi thứ đã cao theo quỹ đạo rồi thì việc có học bổng không hề khó. Đây là điểm mấu chốt giúp bạn bỏ xa các bạn còn lại đấy.

Về cơ bản, các môn học trong trường và điểm trung bình học tập sẽ được tính toán dựa trên 3 đầu điểm:

  • Điểm chuyên cần (chiếm 10%):
  • Điểm giữa kỳ (thường chiếm 30%): Hình thức thi tùy các thầy cô bộ môn quyết định, có thể là làm bài trên giấy, làm tiểu luận, hay thuyết trình nhóm,… Ngoài ra, thầy cô cũng có những hình thức cộng điểm cho sinh viên vào bài thi giữa kỳ, nếu trên lớp bạn nào chịu khó xung phong phát biểu, lên bảng giải bài,…
  • Điểm cuối kỳ (thường chiếm 60%): Đây là bài thi bắt buộc theo lịch của nhà trường, gồm một số hình thức như thi trên giấy, thi trên máy tính hoặc thi vấn đáp. Dù thi theo hình thức nào thì hãy giữ cho mình tâm hồn thật đẹp, ôn tập kỹ kiến thức và nhớ đừng gian lận trong giờ thi nhé, bị đỉnh chỉ thi là xác định học lại lun nhé.

Dưới đây là check list những việc bạn không thể không làm nếu muốn đạt kết quả điểm trung bình học tập cao

2.1. Luôn đi học đầy đủ

Không cần giải thích chắc bạn cũng hiểu tại sao rồi đúng không. Đi học đầy đủ không chỉ giúp bạn hiểu sâu về các loại kiến thức vĩ mô và khó nhằn trên đại học mà còn giúp tối đa điểm chuyên cần của bạn. Chỉ cần đi học đầy đủ thôi bạn cũng đã có được 9-10đ chuyên cần rồi, nhỏ nhưng có võ mà phải không, nên đừng coi thường nhé. Đặc biệt, đừng bao giờ bỏ bê việc đi học, vì lúc đó tinh thần và cả thái độ của bạn cho việc học đều không tốt thì khả năng bạn bị rớt môn là rất cao đó.

2.3. Chú ý nghe giảng và tiếp nhận kiến thức ngay trên lớp

Có thể bạn đã nghe rất nhiều lời khuyên tương tự vậy rồi, tuy nhiên thực hiện được hay không lại là câu chuyện khác. Việc tập trung học trên lớp sẽ giúp bạn nhớ bài lâu hơn, đặc biệt là không bị dồn kiến thức và rơi vào tình trạng “nước đến chân mới nhảy” trong giai đoạn nước rút như thi giữa kỳ, cuối kỳ.

Hãy dành 15-30p mỗi tối để đọc trước giáo trình nhé. Buổi sau lên lớp bạn sẽ chỉ cần nghe giảng để hiểu bài sâu hơn, đặt câu hỏi cho thầy cô về những vấn đề còn thắc mắc.

Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn những vị trí gần bảng để nghe giảng và tương tác với giáo viên tốt hơn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là bạn chú ý lắng nghe và take notes trong giờ học, hiệu quả học tập nhờ vậy mới cao được.

2.4. Chủ động trong các giờ lên lớp, thảo luận

Lên đại học, đừng bao giờ để bản thân vật vờ trong những ngày tháng lên lớp điểm danh, ngồi im lặng hay ngủ gật cả giờ trong giờ học rồi đi về bạn nhé.

Hãy trân trọng và tận dụng tất cả những giờ lên lớp ấy để tối đa hóa hiệu quả học tập và nâng cao điểm số bằng cách liên tục chủ động xây dựng bài, phát biểu ý kiến, phản biện, tranh luận và tương tác với giảng viên trong suốt quá trình học.

Tất cả những việc này không chỉ giúp bạn thể hiện được cá tính, quan điểm của bản thân mà còn giúp bạn nổi bật và gây ấn tượng với giảng viên bộ môn đó. Đây chắc chắn là cơ hội tuyệt vời để bạn luôn dễ dàng xếp thứ hạng cao trong học tập đó.

2.5. Tích cực tạo mối quan hệ và học hỏi từ các anh chị khóa trước

Một trong những yếu tố giúp mình đạt kết quả cao trong học tập không thể không nhắc đến công ơn của các anh chị khóa trước mà mình quen biết. Nhờ có những buổi trò chuyện, tư vấn và đưa ra lời khuyên của các anh chị về cách học tập của từng môn, phong cách giảng dạy của từng giảng viên rồi cả những tài liệu học tập quý giá mà mình nhận được từ các anh chị, mà quá trình học đại học của mình thực sự dễ dàng hơn rất là nhiều.

Chính vì thế, mình luôn khuyên các bạn sinh viên năm nhất hãy chủ động xây dựng mối quan hệ với các anh chị khóa trước bằng cách tham gia công tác Đoàn, tham gia các CLB, hội sinh viên hoặc các sự kiện hội thảo trong trường để kết nối với các anh chị nhiều hơn nhé.

2.6. Chỉnh chu trong mọi sản phẩm

Dù là bài kiểm tra, tiểu luận hay powperpoint thuyết trình, hãy luôn hướng đến sự chỉnh chu và chất lượng nhất có thể bạn nhé. Thầy cô sẽ không muốn nhận những bản báo cáo trình bày lộn xộn, không khoa học hay chỉ copy rồi paste một đống chữ chi chít lên bản word hay slide thuyết trình của bạn. Hãy luôn đặt mình trong tâm thế là người đọc bài, chấm bài của bạn để tạo được ấn tượng và đạt kết quả cao nhất có thể.

Thay vì chỉ gạch đầu dòng những nội dung lí thuyết mà đâu đâu cũng nhắc đến rồi, hãy thử đưa ra các luận điểm, ý kiến của riêng bạn về đề bài đó, hãy đưa ra các dẫn chứng, số liệu để làm rõ quan điểm của bạn cũng như củng cố vững chắc cho bài báo cáo của bạn. Nếu bạn muốn đạt kết quả tốt, thì đừng bao giờ dễ dàng hài lòng với một bài báo cáo chưa có đủ sự đầu tư về cả thời gian và công sức của bạn nhé.  

2.7. Không coi thường môn học nào

Lên đại học, mặc dù, mình biết mỗi sinh viên đều có những môn chuyên ngành riêng khác nhau cần chú trọng. Nhưng không nên vì thế mà các bạn chỉ tập trung vào các môn chuyên ngành mà để các môn đại cương như Triết, Tư Tưởng, Đường lối,… điểm quá thấp được.

Bởi vì, khi bạn đã đặt mục tiêu đạt học bổng, tức là để có được trợ cấp một số tiền lớn như vậy từ trường của bạn, thì bạn nên xác định mỗi một tín chỉ và mỗi một môn học đều ảnh hưởng đến điểm trung bình cả một học kì và cả một năm của bạn. Và chỉ cần một môn điểm thấp thôi, điểm của bạn và cả mọi sự cố gắng của bạn đều bi kéo xuống rất nhiều.

Ngoài ra, thái độ học tập cũng phản ảnh phần nào con người của bạn nữa, cho nên, hãy luôn cố gắng ngay từ đầu, và đừng bỏ bê bất cứ môn nào bạn nhé. Hãy dành nhiều sự chú ý và tập trung cao độ để phát triển hết mức các kiến thức chuyên ngành, nhưng cũng đồng thời cố gắng duy trì các môn còn lại ở mức khá trở lên nhé.

3. Đừng bỏ quên điểm rèn luyện

Tham gia hoạt động ngoại khóa để đạt học bổng
Chủ động tham gia các hoạt động ngoại khóa để đạt điểm rèn luyện thật cao nhé

Nếu như điểm trung bình học tập là căn cứ để xét xem bạn có đạt học bổng hay không, thì điểm rèn luyện chính là yếu tố quyết định bạn đạt học bổng loại gì đó. Cuối mỗi học kỳ lớp trưởng sẽ gửi tới các bạn phiếu đánh giá kết quả rèn luyện, trong đó có hướng dẫn và nội dung đánh giá cộng điểm từng mục cụ thể. Hãy chú ý và lưu lại những thông tin này để biết mình cần làm gì để đạt điểm rèn luyện cao bạn nhé.

Ngoài ra, mình cũng liệt kê một số hoạt động các bạn có thể tham khảo để kiếm điểm rèn luyện nhé:

  • Tham gia hoạt động chuyên môn của khoa, bộ môn, các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo nghiên cứu khoa học (NCKH).
  • Tham gia các hoạt động do CLB trong trường tổ chức có cấp certificate (Hội thảo chuyên môn, làm khán giả các cuộc thi,…). Ngoài ra nếu là thành viên của một CLB được trực tiếp tham gia và trở thành BTC các sự kiện lớn, việc kiếm điểm rèn luyện của em sẽ dễ dàng và chủ động hơn nhiều.
  • Tham gia các hoạt động tình nguyện xã hội, hiến máu nhân đạo.
  • Tham gia các cuộc thi, NCKH trong và ngoài trường.
  • Tham gia công tác cán bộ lớp, thành viên vị trí ban Chủ tịch (Chủ tịch, Phó Chủ tịch) các CLB trong trường.

Lưu ýNhớ giữ gìn cẩn thận chứng nhận tham gia hoạt động, để làm minh chứng bạn nhé. Vì nếu không có minh chứng, bạn sẽ rất khó để apply cho bất kì loại học bổng nào từ trong tới ngoài trường đó.

Trên đây là toàn bộ những gì mình muốn chia sẻ tới các bạn sinh viên đã và đang có ý định đạt học bổng tại trường đại học mà bạn đang theo học. Hi vọng chia sẻ của mình hữu ích với mọi người.

Ngoài ra bạn có thể theo dõi blog quanhwithgenz.com và fanpage Quanh With GenZ để đọc thêm các bài viết chia sẻ kinh nghiệm học đại học của mình nhé. Chúc mọi người có những năm tháng đáng nhớ trong 4 năm đại học của mình.

Recommended Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *