Phương pháp học đại học giúp mình liên tiếp đạt học bổng xuất sắc

Phương pháp học đại học

Thời điểm chuyển giao từ cấp 3 lên đại học vẫn luôn là khoảng thời gian khiến nhiều bạn sinh viên lo lắng. Câu hỏi “Làm thế nào để nhanh chóng thích nghi với một môi trường học tập hoàn toàn mới như đại học, có phương pháp học đại học nào hiệu quả để các bạn có thể dễ dàng đạt kết quả cao trong những năm tháng sắp tới của mình” là những câu hỏi mình nhận được nhiều nhất từ các em sinh viên năm nhất.

Hiện tại, mình đang học năm cuối chuyên ngành Tiếng Anh Thương Mại với GPA 3.7/4.0 và đã đạt sinh viên xuất sắc 3 năm liền liên tiếp. Hôm nay, hãy cùng mình tìm hiểu về hành trình gặt hái học bổng của mình nhé.

Contents

1. Học đại học khác gì so với học cấp 3?

học đại học khác gì cấp 3?

1.1. Khối lượng kiến thức

Nếu ở cấp 3, số lượng các môn học chỉ xoay quanh con số 10 môn, thời gian học một môn học sẽ kéo dài trong một năm, khối lượng kiến thức được chia đều ra khiến học sinh dễ dàng tiếp nhận hơn.

Thì ở bậc đại học, con số ấy sẽ lên tới trên dưới 50 môn, rất nhiều môn chẳng liên quan tới nhau, thường cuốn chiếu trong vài ba tháng, học xong, thi luôn. Nghĩa là các bạn sẽ phải “ngốn” khoảng 1 chương/1 buổi (mỗi chương khoảng 20-30 trang).

Rõ ràng sự tăng lên đáng kể về khối lượng kiến thức sẽ khiến các bạn viên năm nhất gặp phải những khó khăn và thậm chí có thể bị sốc. Chính vì thế các bạn hãy chủ động tìm hiểu và chuẩn bị sẵn sàng để thích nghi với sự thay đổi và khác biệt này nhé.

1.2. Yêu cầu về khả năng tự học

Một trong những khác biệt lớn nhất và dễ nhận thấy nhất giữa học đại học và học phổ thông là tự học.

Nếu như học phổ thông bạn được các thầy cô, bố mẹ kèm cặp, nhắc nhở thường xuyên thì học đại học, ý thức của bản thân sẽ là yếu tố quyết định nhất với năng lực học tập của bạn. Sự khác biệt này thể hiện ở chỗ, bạn không còn sổ liên lạc và cũng chẳng còn họp phụ huynh, vì bạn đã đủ 18 tuổi và bạn là một người trưởng thành.

Thầy cô lúc này sẽ không bao giờ đi kiểm tra vở hay bất kỳ thứ gì của các bạn, hoặc kiểm soát để liên lạc với phụ huynh làm gì nữa, ở bậc đại học họ chỉ làm tròn nhiệm vụ giảng dạy và giải đáp thắc mắc trong học tập mà thôi.

Cách giảng dạy cũng sẽ khác hẳn lúc đi học thời phổ thông, các giảng viên sẽ giảng giải trên lớp nội dung nền tảng, không còn khái niệm thầy cô đọc – chờ các em chép, các bài tập có thể sẽ thuộc về vấn đề “mở rộng” hơn, buộc các em phải tự nghiên cứu thêm trong lúc làm bài tập.

1.3. Kiến thức đa dạng

tự học trên đại học
Đại học là tự học và tự tìm tòi nghiên cứu

Không chỉ có sự khác biệt về khối lượng kiến thức, học đại học đặc biệt khác với học phổ thông về sự đa dạng của khối kiến thức ấy. Trên đại học, sẽ không còn những môn học với lượng kiến thức chỉ xoay quanh các môn học nền tảng, môn học văn hóa như Toán, Văn, Anh, Sử, Địa,.. nữa mà nó còn sâu rộng hơn vậy gấp rất nhiều lần.

Muốn học tốt trên đại học, bạn sẽ cần chủ động đọc rất nhiều tài liệu khác nhau, rồi chủ động nghiên cứu, chủ động tìm kiếm các bài tập hay phương pháp thực hành cụ thể để cụ thể hóa lý thuyết mà bạn học được.

Chẳng hạn như mình, cứ mỗi lần thầy cô giao đề tài thảo luận hay tiểu luận để thuyết trình trước lớp, máy tính của mình luôn ở trong tình trạng bật tới chục rồi vài chục tab để đọc và nghiên cứu rất nhiều tài liệu. Rồi để cụ thể hóa và áp dụng kiến thức đã học, mình cũng phải làm thêm rất nhiều, tìm kiếm rất nhiều cơ hội mới có thể hiểu và áp dụng được những kiến thức mình học trên lớp.

Với những sự thay đổi lớn lao cả về môi trường, văn hóa và cách thức học tập như vậy trên đại học, chắc chắn các bạn tân sinh viên không khỏi bỡ ngỡ và lo lắng. Thậm chí, nếu không có sự chuẩn bị sẵn sàng trước ngày nhập học, nhiều bạn sẽ có tư tưởng lên đại học là khoảng thời gian xả trét sau những ngày tháng ôn thi vất vả, là lúc bản thân được tư do làm được những điều mình mong muốn.

Quả đúng là khi ấy các bạn đã trưởng thành, đại học cũng không phải là cái nôi bó buộc các bạn như khi còn học cấp 3 nữa, nhưng chính vì như vậy, nếu không xác định được tư tưởng và mục tiêu đúng đắn ngay từ đầu, các bạn sẽ rất dễ dàng buông thả bản thân và trượt dài lại phía sau.

Vậy, học đại học thế nào cho hiệu quả, cùng lướt tiếp xuống phần tiếp theo nhé!

2. Phương pháp học đại học giúp mình đạt học bổng xuất sắc

phương pháp học đại học với sơ đồ tư duy
Học đại học cần có chiến lược

2.1. Bắt đầu học và ôn thi trên đại học như thế nào?

  • Bước 1: Đặt mục tiêu
  • Việc đặt mục tiêu luôn là một trong những bước đầu tiên và quan trọng nhất, được mình nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong các bài blog trước đó. Nếu không có mục tiêu, bạn sẽ không biết mình muốn gì, mình học để làm gì, và từ đó bạn càng không biết mình phải làm những gì. Tình trạng mông lung, mất phương hướng là một thứ rất nguy hiểm và nó sẽ chẳng dẫn bạn đi tới đâu cả.

    Ngay từ khi bắt đầu năm học thứ nhất, hãy đặt mục tiêu cho cả 4 năm đại học của bạn (bạn muốn tốt nghiệp loại gì, đạt GPA bao nhiêu khi ra trường, bạn muốn đạt học bổng, hay bạn muốn trau dồi những kiến thức, kĩ năng nào), hãy list tất cả những mục tiêu đó ra để bắt đầu lên kế hoạch từng bước đến gần hơn với mục tiêu của bạn.

    Và sau đó, từ những mục tiêu lớn ấy, hãy tiếp tục chia nhỏ mục tiêu về từng năm học, từng kì học để bạn dễ dàng đạt mục tiêu của mình hơn. Bạn cũng đừng quên, tìm hiểu tiêu chí đạt học bổng, phân loại các nhóm môn học và đặt mục tiêu cho từng nhóm như trong bài blog mình đã nhắc đến trước đó về việc chuẩn bị cho cuộc sống đại học nhé.

    Ví dụ: Mình đặt mục tiêu đạt loại xuất sắc, tức là GPA từ 3.6 trở lên, sau khi phân loại chương trình học thành 3 nhóm (môn học chuyên ngành, môn học đại cương và các môn học còn lại) mình sẽ tiếp tục đặt mục tiêu cho từng môn học trong các nhóm. Mình luôn ưu tiên nhóm môn học chuyên ngành, sau đó mới đến đại cương và các môn học khác, ví dụ như Tiếng Anh Thương Mại: A, Biên-phiên dịch: A, Triết: B+, Thể dục: B,…

    Và tuy là sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và khả năng học từng môn nhưng vì đặt mục tiêu đạt học bổng nên mình luôn cố gắng để tất cả các môn đều phải đạt từ ít nhất B trở lên và không học lại hay coi thường bất kì môn nào. Bạn cũng đừng quên luôn phải theo sát tiến độ học tập của bản thân bằng cách lập bảng kế hoạch, bám sát mục tiêu và liên tục nhìn lại xem bản thân đã làm được những gì cũng như cần cải thiện những gì để tiếp tục cố gắng nhé.

    • Bước 2: Chuẩn bị tài liệu học tập

    Ngay từ khi bắt đầu kì học, hãy lên danh sách các môn bạn cần học, sau đó chuẩn bị đầy đủ các loại tài liệu liên đến những môn học ấy: từ giáo trình môn học, slide bài giảng (thứ vũ khí sẽ giúp bạn chắt lọc kiến thức của cả quyển giáo trình vào những phần trọng tâm nhất cần bám sát), sách tham khảo liên quan và đặc biệt bộ đề cương câu hỏi ôn thi từ các năm trước.

    Bạn có thể tìm thấy những tài liệu này từ hàng phô tô gần trường, từ trang học liệu, thư viện của nhà trường, lên google hoặc hỏi các anh chị khóa trước.

    Và cũng đừng quên chuẩn bị vở viết, thật nhiều loại bút viết, bút nhớ để highlight tài liệu trong quá trình học bạn nhé. Chỉ khi có đầy đủ tài liệu học tập, bạn mới sẵn sàng để chinh chiến trong những bước tiếp theo nha.

    • Bước 3: Đọc và tóm tắt giáo trình

    Có một lợi thế đã giúp mình đạt kết quả cao cả trên lớp và bài thi cuối kì ngay từ những kì học đầu tiên trên đại học chính là việc mình luôn đọc và tóm tắt giáo trình trước mỗi giờ lên lớp.

    Đầu tiên, mình đọc hết giáo trình một lượt, không cần đọc quá kĩ mà chỉ cần đọc lướt để nắm được nội dung tổng quát, đặc biệt mình sẽ chú trọng vào phần tóm tắt đầu hoặc cuối chương để có cái nhìn chung về chương đó.

    Sau đó, mình đánh dấu lại những khái niệm mới, những phần chưa hiểu để dành lên lớp hỏi cô hoặc bạn bè.

    Cuối cùng, mình sẽ vẽ một sơ đồ tư duy cho cả môn học đó, gồm những chương nào, bài nào, mỗi bài có những phần kiến thức trọng tâm gì. Nhờ sơ đồ tư duy này, mình luôn có cái nhìn tổng quát cả môn học, biết được mối liên kết giữa các phần kiến thức với nhau như thế nào, từ đó, mình luôn dễ dàng tiếp thu và nhớ bài lâu hơn.

    Trước giờ lên lớp, mình chỉ cần xem lại sơ đồ môn học, đọc qua slide rồi đến lớp nghe giảng và hỏi lại thầy cô những phần mà mình thắc mắc từ ở nhà. Vậy là mình luôn trong tâm thế hiểu bài, có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào khi thầy cô hỏi, mà việc học của mình còn rất nhàn nữa.

    • Bước 4: Chuẩn bị đề cương ôn thi từ sớm

    Việc làm đề cương là việc mà hầu hết mọi người sẽ làm khi gần đến kì thi cuối kì, nhưng mình khuyên mọi người, khối lượng kiến thức trên đại học thực sự rất nhiều, không chỉ là một môn mà sẽ phải thi liên tiếp nhiều môn như vậy. Vì thế, nếu bạn không sớm có sự chuẩn bị ngay từ đầu kì, bạn sẽ sống trong tình cảnh nước đến chân mới nhảy, mất ăn mất ngủ để ôn thi mà kết quả chắc chắn cũng khó mà được như ý.

    Từ khi bắt đầu kì học, bạn hãy lên trang học liệu nhà trường hoặc tìm hỏi thầy cô và các anh chị khóa trước về bộ câu hỏi ôn thi cuối kì của môn học đó. Sau đó, bạn hãy nhóm các câu hỏi giống nhau trong cùng một chương lại rồi đưa vào sổ tay ôn thi và dùng bút nhớ để làm nổi bật nội dung cần quan tâm trong giáo trình, slide để khi học trên lớp, có thể tập trung hơn vào những mục này đồng thời hỏi thầy cô mà bạn chưa thấy đáp án trong tài liệu.

    Trong quá trình hoc tập, hãy tạo các file khác nhau với tiêu đề Đề cương ôn thi Triết, Tư tưởng, Kinh tế vi mô, Tiếng Anh,… và hàng tuần sau mỗi buổi học, bạn hãy dành thời gian vào các file này để trả lời các câu hỏi trong bộ đề thi. Cứ như vậy, cho đến khi kết thúc học phần, đề cương ôn thi của bạn đã gần như hoàn chỉnh trọn vẹn rồi. Bằng cách tự làm đề cương sớm như vậy, bạn vừa nắm được đâu là những kiến thức trọng tâm bạn cần chú ý trong quá trình học, vừa không bị quá tải khi kì thi cuối kì đến.

    • Bước 5: Ôn tập lại sơ đồ tư duy + đề cương và đi thi thôi

    Sau khi đọc trước giáo trình, lập sơ đồ tư duy, làm đề cương ôn tập, mình chắc chắn mọi kiến thức cần thiết đều đã nằm sẵn trong đầu bạn. Việc của bạn bây giờ chỉ là ôn tập lại sơ đồ tư duy và bộ đề cương bạn đã hoàn thành từ trước, lên mạng làm thêm những câu hỏi bài tập liên quan đến phần kiến thức cần ôn là bạn đã hoàn toàn sẵn sàng để đương đầu với những kì thi cam go sắp tới trên đại học rồi.

    Kết hợp tất cả các bước trên lại, bạn sẽ thấy, việc học trên đại học không phải là ngày một ngày hai mà là cả một quá trình chuẩn bị lâu dài, bền bì. Tuy nhiên, chỉ cần bạn làm được như vậy thôi, bạn không chỉ cảm thấy kì thi cuối kì trên đại học không còn là ác mộng như nhiều người vẫn nói nữa, mà những phần kiến thức trong đề thi sẽ là những phần kiến thức thực thụ bạn thu lượm và đúc kết được sau cả quá trình chuẩn bị và tích lũy.

    Điểm số lúc này, sẽ không còn là vấn đề gì đáng lo ngại cả.

    2.2. Thảo luận trên lớp đại học thì sẽ như thế nào?

    phương pháp học đại học - chủ động nắm cơ hội
    Đại học chính là chủ động nắm bắt các cơ hội

    Mục tiêu học bổng của bạn không chỉ đến từ bài thi cuối kì mà còn có sự góp mặt của những thành phần khác như điểm chuyên cần, điểm thi giữa kì và đặc biệt là các bài thảo luận và việc xây dựng bài trên lớp.

    Vậy làm thế nào để bạn có được sự thể hiện tốt nhất trong quá trình lên lớp của mình.

    2.2.1. Tìm hiểu kĩ về giảng viên của bạn:

    Trên đại học, mỗi thầy cô sẽ có một phong cách giảng dạy và những yêu cầu khác nhau đối với sinh viên của mình. Vì vậy, ngay từ buổi đầu giới thiệu môn học, hãy nhanh chóng ghi chú lại tất cả những thông tin cơ bản và cần thiết nhất dưới đây liên quan đến giảng viên từng bộ môn bạn đang học nhé:

    • Các thông tin liên quan đến tên giảng viên, email, SĐT:

    Nghe qua thì có vẻ những thông tin này không có gì quan trọng lắm nhưng những lúc bạn cần xin phép nghỉ ốm, có việc đột xuất hay khi bạn gặp khó khăn trong quá trình học, trong các bài thảo luận nhóm thì những thông tin này sẽ là những cứu tinh của bạn đó.

    • Cách thức cho điểm chuyên cần, thảo luận, thuyết trình, điểm kiểm tra giữa kì của thầy cô:

    Hầu hết các thầy cô sẽ nói rõ cách thức chấm điểm ngay từ đầu môn học, yêu cầu về cấu trúc của các bài tiểu luận, thuyết trình,… vì vậy, bạn chắc chắn phải lưu lại những yêu cầu này để có sự chuẩn bị thật sẵn sàng trong quá trình học bạn nhé.

    Ví dụ: hầu hết các thầy cô trong Khoa của mình đều chấm điểm chuyên cần theo tỉ lệ 80/20, tức là bạn đi học đủ tất cả các buổi học thì bạn sẽ chỉ được tối đa 8 điểm, và 20% còn lại sẽ đến từ sự năng nổ, hoạt bát và tinh thần chủ động xây dựng bài của bạn trong quá trình lên lớp. Việc hiểu rõ cách thức chấm điểm này giúp mình luôn cố gắng chuẩn bị tốt bài ở nhà trước khi đến lớp để có sự tự tin và phản ứng nhanh nhạy hơn.

    • Ngoài ra, hãy tìm hiểu về tích cách và phong cách giảng dạy của giảng viên từ các anh chị khóa trước hoặc từ chính trong kì học của bạn để thích nghi và gây ấn tượng tốt hơn với giảng viên của bạn nhé.

    Ví dụ

    + Giảng viên thích đưa ra những chủ đề tranh luận, phản biện thì chúng mình hãy tích cực tương tác và chủ động đưa ra quan điểm của mình trong quá trình lên lớp và thảo luận.

    + Giảng viên chú trọng sự chỉnh chu, logic và rõ ràng ngắn gọn thì bạn hãy cố gắng luôn trình bày ý kiến và câu trả lời của mình một cách gãy gọn nhất, luôn có sự chuẩn bị sẵn sàng để đưa những kiến thức đã học và những dẫn chứng thực tế vào câu trả lời của mình,…

    Mình còn nhớ, cô giáo dạy môn kĩ năng nói của mình rất thích bài thuyết trình phải có đầy đủ cả lý thuyết, bài tập, các trò chơi tạo không khí sôi động. Cho nên những nhóm làm đúng yêu cầu của cô điểm rất cao, nhưng có những nhóm dù cô đã dặn nhưng vẫn không làm chỉnh chu như lời cô nói, chỉ lên thuyết trình lý thuyết và đưa ra vài bài tập áp dụng, thế là bị cô mắng khá nặng nề rùi bắt thuyết trình lại vào buổi khác. Từ câu chuyện này, bạn nhất định cần nghiêm túc tìm hiểu và nhớ kĩ đặc điểm và phong cách dạy của các thầy cô mình học nhé.

    2.2.2. Chủ động luôn là vũ khí sắc bén nhất

    Những năm tháng đại học có lẽ là khoảng thời gian giúp bạn bứt phá nhiều nhất nếu như bạn biết cách tận dụng thật tốt những cơ hội quý giá xung quanh mình, đây là những cơ hội tuyệt vời để bạn rèn sự tự tin, luyện nhiều kỹ năng cần thiết cho công việc sau này. Nên hãy thật sự chủ động nắm bắt lấy chúng nhé:

    • Làm ban cán sự lớp:

    Đây là cơ hội giúp bạn được cộng điểm, được kết nối trực tiếp với giảng viên, có cơ hội tạo sự tương tác để học hỏi và giải đáp thắc mắc. Ngoài ra còn rất nhiều cái lợi của việc trở thành ban cán sự lắm như mở rộng mối quan hệ, rèn luyện sự tự tin, khả năng lãnh đạo,…

    • Ngoài ra, Trên đại học, có một thứ mà bạn muốn tránh cũng không được. Đó là làm việc nhóm, thuyết trình.

    Rất nhiều bạn sợ hai thứ này, mà quên rằng đó là cơ hội tuyệt vời để rèn sự tự tin, luyện nhiều kỹ năng cần thiết cho công việc sau này. Nên mỗi khi cơ hội tới, hãy nắm lấy nó.

    Bạn nên chủ động xung phong làm nhóm trưởng, người thuyết trình và thư kí để bản thân thử sức và tích lũy hàng loạt các kĩ năng như lãnh đạo, nói trước đám đông, biên soạn, chỉnh sửa và thiết kế các sản phẩm thảo luận,..thay vì để mình bị lu mờ khi chỉ làm dân thường trong nhóm nhé.

    • Thường xuyên phát biểu, đặt câu hỏi khi không hiểu bài, tương tác và thuyết trình trước lớp khi có cơ hội – Đây là lúc bạn rèn được khả năng phản xạ, sự nhạy bén, rèn cả khả năng nói trước đám đông và sự tự tin mà lại được cộng điểm nữa nè.
    • Sự chuẩn bị tốt: Theo kinh nghiệm của mình thì hầu như giảng viên nào cũng rất thích việc sinh viên chuẩn bị bài trước hoặc tham khảo các nguồn thông tin, ví dụ thực tế và nhiệt tình xây dựng bài trong quá trình học.

    Vì vậy trước mỗi tuần học hãy cố gắng dành ít nhất 30-60 phút để chuẩn bị và đọc trước giáo trình ở nhà nhé, bạn sẽ thấy biết ơn vì sự chuẩn bị này khi lên lớp đó (vừa hiểu bài nhanh hơn, dễ dàng trả lời được câu hỏi thầy cô đưa ra mà lại còn kiếm thêm nhiều điểm cộng nữa nhé)

    2.3. Kĩ năng tìm kiếm tài liệu, viết báo cáo, tiểu luận, nghiên cứu khoa học

    phương pháp học đại học

    Có một thứ cũng góp phần không nhỏ vào điểm thi cuối kì của bạn, đó chính là các bài tiểu luận, báo cáo, thu hoạch,…những thứ mà bạn chắc chắn sẽ phải mất nhiều giờ lăn xả trên Google và thậm chí copy để làm đầy vài chục trang word nộp cho giảng viên của bạn.

    Tuy nhiên, bạn cũng biết, khi bạn đang hì hục sao chép từ các bài viết trên Google thì cùng lúc đó, hàng trăm sinh viên cùng lớp, cùng khoa bạn cũng đang làm những việc tương tự như thế. Và thầy cô chắc chắn sẽ không đánh giá cao những câu trả lời nhìn y sì nhau như vậy.

    Vậy làm thế nào để bạn đạt điểm cao và gây ấn tượng với thầy cô

    • Đầu tiên, thay vì chỉ chăm chăm tìm kiếm trên mỗi Google, hãy mở rộng phạm vi tìm kiếm của bạn.

    Ngoài Google có rất nhiều nguồn tài liệu đáng tin cậy khác như thư viện, trang học liệu của trường, tài liệu từ các anh chị khóa trước hay lên các trang cung cấp tài liệu hiếm mà đáng tin cậy như Google Scholar, Sci – hub,  Proquest, Base, … chắc chắn sản phẩm của bạn sẽ vô cùng chất lượng

    • Tiếp đó, thay vì bê y nguyên đống tài liệu bạn tìm được vào bài làm, hãy tự tay viết lại chúng theo ý hiểu của bạn, kinh nghiệm tổng hợp và viết tiểu luận của mình thông thường sẽ qua các bước sau:

    B1: Đọc tài liệu tham khảo, đánh dấu highlight lại tất cả những ý hay nhất và quan trọng nhất trong tài liệu đó

    B2: Bỏ các ý hay đó vào một file doc riêng

    B3: Từ các ý bạn thu lượm được, hãy đọc và tự viết lại theo ý hiểu của bạn, nó có thể không cao siêu như bản gốc, nhưng nó dễ hiểu và thầy cô biết rằng chính bạn đã viết nó

    B4: Để bài làm của bạn thật sự gây được ấn tượng với thầy cô, đừng bao giờ quên đưa ra những ý kiến nhận định của riêng bạn về kiến thức, chủ đề bạn đang tìm hiểu nhé. Đây mới là thứ các thầy cô hướng đến khi giao đề tài tiểu luận cho bạn đó.

    Cuối cùng, đừng quên đầu tư thời gian căn chỉnh cho bài làm của bạn thật đẹp mắt, đừng để các dòng viết ríu rít vào nhau, các đoạn văn dài không lối thoát, lề lối dãn dòng lộn xộn thì dù nội dung có hay bao nhiêu bạn cũng đã mất kha khá điểm ấn tượng từ thầy cô rồi đó. Hãy nộp cho thầy cô một bản báo cáo đẹp từ ngoài vào trong thì chắc chắn sẽ nắm chắc con điểm cao chói lọi trong tay nhé.

    2. 4. Tham gia CLB, hoạt động ngoại khóa – chìa khóa giúp bạn cải thiện kĩ năng, nâng tầm điểm số

    tham gia hoạt động ngoại khóa trên đại học
    Đại học là đừng ngần ngại tham gia hoạt động ngoại khóa

    Ngoài những bí quyết và phương pháp học tập cụ thể như trên, điều mà giúp mình trở thành sinh viên xuất sắc trong khoa và có cách biệt so với các bạn sinh viên giỏi khác chính là việc mình được cộng rất nhiều điểm rèn luyện do năng nổ tham gia rất nhiều các hoạt động ngoại khóa trong Khoa, Trường, Đoàn trường, và cả các dự án ngoài xã hội.

    Nhưng có một điều mình muốn nhấn mạnh với các bạn, mục đích chính chúng ta tham gia hoạt động ngoại khóa không phải để lấy danh hiệu hay thành tích, mà là để rèn luyện kĩ năng và mở rộng các mối quan hệ. Vì danh hiệu hay thành tích sẽ chỉ theo chúng ta tức thời và ngắn hạn trong khi việc chú trọng vào phát triển kĩ năng thay vì chỉ tham gia cho có để lấy giấy chứng nhận sẽ theo ta đến mãi sau này.

    Danh hiệu hay những thành tích mình đạt được nhờ có CLB hay hoạt động ngoại khóa chỉ theo sau mục đích lớn nhất của mình là tích lũy kĩ năng và kinh nghiệm cho bản thân. Nhờ có mục tiêu đúng đắn ấy, mình đã thực sự tốt hơn mỗi ngày, nhận được nhiều cơ hội quý giá hơn về công việc hay các mối quan hệ, chính vì vậy hãy tham gia hoạt động ngoại khóa một cách thực thụ và chất lượng nhất.

    Kết luận là, việc đạt được học bổng hay danh hiệu sinh viên xuất sắc là tổng hòa của rất nhiều những yếu tố kể trên, là quá trình lâu dài và bền bỉ chứ không phải cuộc chạy đua thành tích hay học tập một cách đối phó để lấy danh hiệu. Đối với mình, gần 4 năm học đại học chính là quãng thời gian mà mình đã thật sự đầu tư cả thời gian và công sức của bản thân rất nhiều vào đó.

    Nhưng, hành trình đó thật sự rất xứng đáng, mình của bây giờ đã tự tin – trưởng thành – mạnh mẽ hơn mình của 4 năm về trước chính là nhờ quá trình đặt mục tiêu, lên kế hoạch và nỗ lực với từng nhiệm vụ nhỏ một như thế. Đừng coi thường bất cứ giây phút nào của hiện tại, chúng sẽ tạo nên bạn của mai sau đó.

    Chúc bạn sẽ có một hành trình đầy hứa hẹn và đáng nhớ trong những năm tháng đại học sắp tới nhé!

    Recommended Articles

    2 Comments

    1. Bài viết hay lắm chị ạ, cám ơn chị rất nhiều !❤️

      1. Cảm ơn em đã ghé blog nha! Chị vui vì bài viết hữu ích với em ^^

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *