Sinh viên năm nhất cần chuẩn bị gì khi bước vào cuộc sống đại học?

sinh viên năm nhất chuẩn bị gì khi bắt đầu vào đại học

Cứ mỗi mùa tựu trường, các trường đại học lại đón thêm những lứa sinh viên mới. Sinh viên năm nhất cần chuẩn bị gì, làm thế nào để thích ứng với môi trường đại học ngay từ những ngày đầu nhập học,… Đó là những trăn trở mà bất cứ bạn sinh viên nào cũng thường gặp phải khi phải chính thức rời mái trường cấp 3 lên đại học.

Hôm nay, bằng tất cả những kinh nghiệm mà bản thân mình đúc kết được, mong rằng các bạn tân sinh viên sẽ có thêm cho mình những hành trang cần thiết để sẵn sàng bước vào cuộc sống đại học sắp tới.

Contents

1. Ổn định môi trường sống trên đại học

1.1. Tìm chỗ ở

tìm chỗ ở cho sinh viên năm nhất
Kí túc xá sinh viên

Vấn đề chỗ ở trên đại học vẫn luôn là điều cần ưu tiên trước nhất để các bạn sinh viên năm nhất có thể an tâm nhập học. Kí túc xá và phòng trọ có lẽ là hai lựa chọn phổ biến nhất với các bạn. Tuy nhiên, mỗi nơi thì đều sẽ có mặt lợi mặt hại khác nhau nên các bạn sinh viên năm nhất cũng cần cân nhắc kĩ trước khi quyết định lựa chọn nơi mà mình sẽ gắn bó.

Với kí túc xá, ưu điểm là nó vô cùng tiện lợi vì bạn có cơ hội ở ngay trong trường, bảo mật an ninh cũng an toàn hơn nhiều so với các phòng trọ bên ngoài, ngoài ra chi phí để ở kí túc xá thì khá phải chăng và hợp túi tiền của sinh viên. Bạn cũng có nhiều cơ hội hơn để giao lưu và sinh hoạt với các sinh viên cùng khóa, cùng trường.

Tuy nhiên, cũng sẽ có những vấn đề bất cập liên quan đến việc ở chung, sinh hoạt chung với nhiều người cùng lúc, rồi những quy định nghiêm ngặt về việc nấu ăn và giờ giấc.

Còn với phòng trọ, các bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn để chủ động và kiểm soát cuộc sống của chính mình mà không bị bó buộc về quy định và giờ giấc như ở kí túc xá. Thông thường, các bạn sinh viên muốn ra ngoài ở trọ vì các bạn muốn chủ động trong việc đi làm thêm và tham gia các hoạt động ngoài giờ.

Tuy vậy, thuê trọ bên ngoài cũng tồn tại nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là lừa đảo và môi giới nếu các bạn không suy xét cẩn thận cũng như chưa có nhiều kinh nghiệm đi tìm phòng trọ.

Lời khuyên của mình là năm đầu chưa quen với môi trường mới, tốt nhất bạn hãy ở ký túc xá trường trong một thời gian ngắn để làm quen môi trường đại học và bên ngoài, sau đó hãy ra ngoài thuê trọ. Như vậy bạn sẽ dễ dàng kiểm soát được mọi thứ hơn.

1.2. Chuẩn bị phương tiện đi lại

Xe bus cho sinh viên năm nhất
Xe bus sinh viên

Phương tiện đi lại là vấn đề ưu tiên thứ hai sau khi các bạn sinh viên năm nhất ổn định chỗ ở cho mình. Có rất nhiều phương tiện để các bạn lựa chọn: từ xe máy, xe buýt đến xe đạp điện. Tùy vào khả năng tài chính và khoảng cách từ chỗ ở đến trường cũng như các chỗ làm thêm (nếu có) để các bạn lựa chọn cho mình loại phương tiện đi lại phù hợp nhất với bản thân.

Ngoài ra, trường hợp các bạn đã có phương tiện đi lại như xe máy thì nên tìm hiểu kĩ nơi các bạn trọ ra sao để có giải pháp an toàn với việc mất cắp. Đối với phương tiện là xe buýt cũng vậy, các chiêu thức móc túi cũng khá tinh vi, vì thế các bạn phải thận trọng trong việc giữ gìn những đồ dùng quan trọng như tiền bạc hoặc điện thoại khi đi xe buýt.

Có rất nhiều bạn từ quê lên thành phố học nên nhiều khi sẽ không quen đường xá đi lại, các bạn luôn nhớ mang theo điện thoại bên mình để tra bản đồ và liên hệ cho người quen khi cần tới sự giúp đỡ nhé.

1.3. Sinh hoạt phí và đồ dùng cá nhân

Chi phí sinh hoạt sinh viên năm nhất

Trước khi nhập học, các bạn sinh viên năm nhất cần chuẩn bị một khoản chi phí nhất định để có thể chi trả cho những sinh hoạt hàng ngày khi tự lập một mình trên đại học. Do vậy, các bạn có thể tham khảo các anh chị khóa trước về các khoản cần chi tiêu trên đại học cũng như cùng bố mẹ tính toán những khoản chi tiêu cần thiết trên đại học như tiền học, tiền thuê nhà, tiền điện, nước, sinh hoạt ăn uống hàng ngày,…

Sau đó, các bạn đừng quên lên kế hoạch quản lí chi tiêu rõ ràng cho bản thân mình để tránh sa đà vào việc mua sắm hay chi tiêu không đúng cách rồi sau đó không có đủ tiền để chi trả cho các khoản quan trọng khác nhé. Trước khi mua bất cứ một thứ gì, hãy xem xét thật kĩ nó có thực sự cần thiết hay không, nếu thực sự cần thì mới duyệt chi cho khoản đó.

Bạn cũng nên chia tiền ra thành nhiều khoản và có những khoản không thể “đụng vào”, ví dụ như tiền phòng trọ chẳng hạn, nếu bạn “lỡ tay” tiêu mất thì đến kì hạn là một vấn đề lớn vì khoản tiền đó là bắt buộc phải trả. Hãy tập làm quen dần với quản lí tài chính cá nhân và bạn sẽ không thấy nó quá khó như bạn vẫn nghĩ

Với đồ dùng cá nhân, trước tiên, các bạn hãy chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết bên mình khi lên thành phố như giấy tùy thân, chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế và xã hội, thẻ ngân hàng, bằng lái xe (nếu có)  giấy báo nhập học,  thẻ sinh viên (nếu đã được nhà trường cấp). Điều này không hề thừa vì khi trường hợp xấu xảy ra, bạn vẫn có thể sử dụng giấy tùy thân và tiền mặt để được hỗ trợ.

2. Tìm hiểu trước tất cả những thông tin về ngôi trường bạn sắp theo học

sinh viên năm nhất chuẩn bị gì trước khi vào đại học
Tìm hiểu về trường trước khi nhập học

Việc tìm hiểu trước những thông tin cần thiết về trường bạn chuẩn bị học sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc làm quen và không bị bỡ ngỡ hay hoang mang khi bắt đầu nhập học.

Hãy bắt đầu tìm kiếm lần lượt những thông tin sau đây:

  • Trang web, fanpage chính thức của trường, của khoa: nơi tìm hiểu về lịch sử, các phòng ban trong trường, sơ đồ trường học, cập nhật những thông tin mới nhất về các quy định, chính sách của nhà trường, đặc biệt là về chương trình học của bạn trong những năm học sắp tới trên đại học.
  • Trang thư viện học liệu: nơi tìm kiếm tài liệu, giáo trình, đề cương ôn thi cho các môn học của bạn ở trường
  • Các group sinh viên trong khoa, trong trường: nơi bạn sẽ có cơ hội trao đổi, học hỏi được vô số những kinh nghiệm quý giá từ các bạn sinh viên đồng trang lứa và các anh chị khóa trước
  • Các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ trong trường: nơi giúp bạn giao lưu, kết bạn với rất nhiều các bạn sinh viên trong và ngoài khoa, giúp bạn trau dồi thêm cho mình những kĩ năng mềm cần thiết
  • Các chính sách học bổng, chương trình hội thảo, trao đổi sinh viên: giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh về những cơ hội và lợi ích mà bạn có thể nhận được trong suốt 4 năm đại học từ đó lên kế hoạch để bản thân đạt được những cơ hội đó.

Tất cả những thông tin đó sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát về ngôi trường mà bạn sẽ gắn bó trong những năm học sắp tới, đặc biệt giúp bạn tự tin hơn khi bắt đầu nhập học.

3. Lên kế hoạch học tập hiệu quả

Lên kế hoạch học tập từ khi là sinh viên năm nhất
Lên kế hoạch học tập từ khi là sinh viên năm nhất

3.1. Phân loại chương trình học và môn học

Trên trang web của trường, sau khi tìm hiểu, bạn sẽ thấy được toàn bộ chương trình học của bạn trong 4 năm đại học sắp tới. Vậy nhiệm vụ của bạn là, phân loại chương trình học ấy ra thành 3 nhóm môn học chính như dưới đây:

  • Môn học chuyên ngành: Là những môn phục vụ trực tiếp cho ngành học mà bạn theo đuổi. Ví dụ: Mình học Ngôn Ngữ Anh thì những môn chuyên ngành của mình sẽ là các kĩ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết Tiếng Anh, Dẫn luận ngôn ngữ, Ngữ dụng học, Biên, Phiên dịch, Tiếng Anh Thương Mại, Tiếng Anh giao tiếp, Văn hóa Anh, Văn hóa Mỹ,…
  • Môn học đại cương: là những môn học nền tảng mà sinh viên trường công lập nào cũng cần phải học như Tư tưởng Hồ Chí Minh, Triết học Mác-Lênin, Đường lối Đảng Cộng sản,…
  • Những môn còn lại: những môn như thể dục, giáo dục quốc phòng,…

3.2. Đặt mục tiêu học tập cho từng nhóm môn học

Vậy việc phân loại chương trình học như trên có mục đích gì? Nó giúp bạn có một cái nhìn tổng thể về chương trình và lộ trình học 4 năm của bạn, quan trọng hơn là, việc này giúp bạn biết cách phân loại và đặt mục tiêu cũng như sự ưu tiên phù hợp cho từng loại môn học ở trường.

Có một điều chắc chắn là, với khối lượng và số lượng môn học nhiều như vậy, một sinh viên sẽ không thể nào giỏi được tất cả các môn. Tuy nhiên, cũng không vì vậy mà chúng ta coi thường và bỏ bê bất kì môn học nào. Do vậy, sau khi phân loại chương trình học của mình, các ban sinh viên năm nhất nên bắt tay vào đặt mục tiêu cho từng nhóm môn học.

  • Với các môn học chuyên ngành: các hãy đặt mục tiêu thật cao và tập trung hết sức để học thật tốt cũng như nắm vững một cách chuyên sau những kiến thức chuyên ngành này. Bởi vì, chúng chính là nền tảng và tiền đề cơ bản giúp bạn áp dụng những kiến thức đã học được vào thực tế trong môi trường làm việc sau này.
  • Với các môn học đại cương: dù là mức độ ưu tiên có thấp hơn nhóm môn học chuyên ngành, các bạn cũng không nên coi thường mà nên tập trung học ở một mức độ vừa phải để nắm được những vấn đề cơ bản nhất mà môn học yêu cầu. Như vậy, nó sẽ đảm bảo cho bạn một kết quả học tập tốt ở trường. Chính vì đạt điểm khá ổn ở những môn này mà điểm GPA của mình không bị kéo xuống mà luôn giữ ở mức cao qua từng kì học.
  • Các môn học còn lại như thể chất, khiêu vũ, bóng chuyền, quốc phòng,… do chỉ tính điểm đạt là được nên mình không quá chú trọng như các môn bên trên, nhưng bạn nhớ không nên để bản thân phải học lại những môn này vì sẽ ảnh hưởng đến tiêu chí sét học bổng đó nhé.

Ngoài việc đặt mục tiêu theo chương trình học, hãy lên một kế hoạch mục tiêu bao quát cho cả 4 năm đại học để dễ dàng bám sát và đạt được mục tiêu của bản thân một cách toàn diện nhất nhé.

3.3. Lên kế hoạch và thời gian biểu chi tiết cho kì học của bạn

Từ những mục tiêu đã đặt ra bên trên, bạn hãy chia nhỏ mục tiêu của mình theo từng năm học, kì học và từng tuần học, rồi sắp xếp và quản lí thời gian học của bạn một cách khoa học.

Lên mục tiêu cụ thể, mỗi năm bạn sẽ cần đạt GPA bao nhiêu để đạt sinh viên giỏi/xuất sắc, sau đó mỗi kì cần đạt mức nào, kì đó có bao nhiêu môn, môn chuyên ngành nào đạt điểm A, môn đại cương nào đạt B+,.. sao cho khi tính tổng lại bạn vẫn đạt được điểm GPA mà bản thân mong muốn.

Sau đó hãy phân chia thời gian biểu của bạn thật chi tiết. Ngoài lịch học ở trường cố định ra, hãy xây dựng riêng một thời gian biểu ngoài giờ. Trên đó hãy sắp xếp tất cả những gì bạn định làm: ôn lại bài, làm đề cương sớm, hoạt động ngoại khóa, thư giãn… rồi cố gắng tuân theo đến cùng, và có thể linh hoạt điều chỉnh từng tuần.

Lưu ý:

  • Bạn cần tập thói quen ghi chép thời gian. Nó sẽ giúp phát hiện ra những thời điểm lãng phí thời gian, để từ đó điều chỉnh, và dần dần lấy lại sự tập trung. Một phần mềm mình hay sử dụng để ghi chép lại thời gian trong ngày của bản thân là Clockify bạn có thể tham khảo để quản lí và ghi chép lại thời gian của mình nhé.
  • Ngoài ra, lên đại học sẽ có rất nhiều thứ khiến bạn bị phân tâm và cuốn vào những việc lãng phí thời gian không đáng có, hãy rèn luyện thói quen sắp xếp các đầu mục công việc của bạn theo thứ tự ưu tiên để hoàn thành đúng các mục tiêu mà bạn đề ra nhé.

4. Tìm tòi tự học nâng cao các kĩ năng cần thiết ngay từ năm nhất

Sinh viên năm nhất trau dồi kĩ năng mềm
Trau dồi những kĩ năng mới

Việc học mỗi kiến thức trong sách vở cũng như trên trường lớp sẽ không bao giờ đủ nếu bạn không xác định cho bản thân một tâm thế tự mày mò và nâng cao các kiến thức và kĩ năng cần thiết bên ngoài. 3 loại kĩ năng sau đây là những kĩ năng quan trọng nhất mà bạn nên đầu tư phát triển ngay từ năm nhất đại học

4.1. Ngoại ngữ:

Chắc hẳn ai cũng hiểu được tầm quan trọng của Tiếng Anh trong xã hội hiện đại như bây giờ. Vì vậy, đầu tư khoảng thời gian từ năm nhất đại học của bạn để cải thiện khả năng Tiếng Anh chắc chắn sẽ mang lại những cơ hội quý giá cho bạn trong tương lai. Lên lộ trình học Tiếng Anh cụ thể, tham gia vào group trên mạng xã hội, câu lạc bộ để tìm bạn đồng hành, hay tận dụng các apps học Tiếng Anh,… để chuẩn bị vốn Tiếng Anh thật vững vàng bạn nhé

4.2. Tin học

Đây là kĩ năng cơ bản nhất mà bất cứ sinh viên nào cũng cần nắm vững trong suốt những năm tháng đại học của mình. Bởi vì trên đại học, sẽ có vô số những lần mà bạn cần phải sử dụng đến kĩ năng này như làm việc nhóm, thuyết trình, hoạt động ngoại khóa, cuộc thi,… và thậm chí sau này khi ra ngoài đi làm, nếu những kĩ năng cơ bản về Tin học văn phòng như word, powerpoint, excel mà bạn không nắm vững được sẽ là điểm trừ lớn trong mắt các nhà tuyển dụng.

4.3. Kĩ năng mềm

Kĩ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, quản trị bản thân,… là những kĩ năng mà bạn nên chú trọng đầu tư ngay tư những năm đầu đại học bằng cách năng nổ nhiệt tình tham gia các hoạt động trên trường lớp, đoàn trường, các dự án xã hội cũng như các khóa học online ở nhà trên coursera, Edx, Udemy, để rèn luyện sự tự tin và tích lũy thêm kiến thức kĩ năng trước khi bước ra khỏi mái trường đại học.

Mình đã là sinh viên năm cuối, phải mãi đến thời gian gần đây mình mới tham gia học một khóa học về kinh doanh online trên website và mạng xã hội và mình thực sự ước là mình đã học nó từ năm nhất đại học. Mặc dù hiện giờ mình đã kiếm được những khoản tiền đầu tiên từ kiến thức của khóa học, nhưng mà, nếu mình học sớm hơn thì có lẽ bây giờ thu nhập của mình đã hơn bây giờ rất nhiều lần rồi.

Cho nên, các bạn sinh viên năm nhất nên thực sự chú trọng vào việc đầu tư kiến thức cho bản thân ngay từ ban đầu để có những bước tiến vững vàng hơn trong tương lai nhé. (Các bạn cũng có thể tham khảo khóa học mình vừa đề cập, sẽ không hối hận chút nào đâu)

Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm mình rút ra sau 3 năm đại học của bản thân, việc chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ ngay từ những ngày đầu là sinh viên năm nhất khi mới chập chững bước chân vào đại học đã giúp ích cho mình rất nhiều không chỉ trong những năm tháng học tập trên trường mà còn là vô số những cơ hội bên ngoài xã hội. Mong rằng các bạn tân sinh viên sẽ có thêm cho mình những kinh nghiệm bổ ích sau bài viết của mình. Peace!

Recommended Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *