Quản lí thời gian trên đại học thế nào để vừa đạt học bổng, vừa tham gia HĐNK, vừa đi làm thêm?

Quản lí thời gian trên đại học

Quản lí thời gian trên đại học luôn là vấn đề nan giải của mọi người, đặc biệt là các bạn sinh viên khi bước vào cuộc sống đại học.

Bản thân mình cũng đã từng trải qua những năm tháng trăn trở ấy. Vì vậy, với kinh nghiệm bấy nhiêu năm trải nghiệm và tích lũy, hôm nay, mình muốn chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm cá nhân của mình trong việc quản lí quỹ thời gian của bản thân để vừa có thời gian cho việc học, vừa có thời gian đi làm thêm và tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Nói qua một chút về bản thân, thì mình đã trải qua gần 4 năm đại học với thành tích sinh viên xuất sắc ở tất cả các kì, mình cũng là chủ tịch CLB Tiếng Anh của Khoa, ủy viên Ban chấp hành, tham gia các hoạt động và dự án xã hội bên ngoài trường và hiện tại đang đi dạy Tiếng Anh tại một số trung tâm ở Hà Nội. Và câu hỏi mình luôn được đặt nhiều nhất là “Làm thế nào mà mình có thể cân bằng và làm tốt được tất cả các nhiệm vụ ấy?”. Hãy cùng mình đón đọc hành trình bên dưới nhé!

Contents

1. Phân chia quỹ thời gian cá nhân

Quản lí thời gian trên đại học - phân chia quỹ thời gian cá nhân
Bảng phân chia quỹ thời gian cá nhân

Từ khi trở thành sinh viên đại học mình đã xác định không chỉ lên kế hoạch cho 4 năm đại học thật cụ thể mà còn là quá trình quản lí quỹ thời gian của mình bằng cách phân chia thành 4 nhóm chính như dưới đây:

  • Nhóm 1: Việc học tập và nghiên cứu trên trường (50%)

Với nhóm này, mình dành tới 50% trong tổng quỹ thời gian của mình để làm bài tập trên trường, bài thảo luận, powerpoint, đặc biệt là việc tự học và nghiên cứu cho các môn chuyên ngành của mình. Mình cũng dành rất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị đề cương ôn tập cuối kì từ sớm, đọc và tóm tắt giáo trình trước các giờ lên lớp. Việc dàn đều thời gian cho việc học trong cả kì sẽ giúp mình không bị vội vàng hay áp lực khi kì thi đến.

  • Nhóm 2: Hoạt động ngoại khóa, CLB (20%)

Mình dành 20% trong tổng quỹ thời gian 1 tuần/tháng để tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội. Đối với mình, những hoạt động này đặc biệt ý nghĩa trong việc giúp mình cải thiện các kĩ năng mềm, khả năng lãnh đạo và kĩ năng xử lí vấn đề, hơn thế nữa nó cũng góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ điểm số rèn luyện của mình trên trường nên mình luôn dành riêng cho những hoạt động này một khoảng thời gian nhất định.

  • Nhóm 3: Các công việc làm thêm (20%)

Vì vẫn là sinh viên nên mình không để việc kiếm tiền ảnh hưởng quá nhiều đến bản thân mình, mình thường dành các buổi tối trong tuần để đi dạy Tiếng Anh nên quỹ thời gian làm việc của mình chỉ chiếm khoảng 20% tổng số thời gian. Tuy nhiên, mình vẫn luôn cố gắng tối đa hóa hiệu suất trong từng quỹ thời gian đi làm ấy để nâng cao mức thu nhập qua từng giai đoạn. Làm việc một cách chăm chỉ nhưng thông minh sẽ giúp bạn không bị áp lực quá mức bởi việc kiếm tiền.

  • Nhóm 4: Thời gian cho bản thân (10%)

Dù mình có mong muốn tham gia nhiều hoạt động, học thật giỏi hay kiếm được thật nhiều tiền nhưng nếu mình không biết cách sắp xếp và dành cho bản thân những khoảng thời gian riêng để nghỉ ngơi, hay giải trí thì dần dần mình sẽ kiệt sức và không còn động lực để tiếp tục cố gắng nữa. Chính vì vậy, dù bận tới đâu, mỗi ngày/tuần/tháng mình đều cố gắng dành cho bản thân những khoảng trời riêng để đọc sách, nghe nhạc, viết lách hay chạy bộ. Chúng giúp mình duy trì niềm vui, sự tình táo và động lực để chăm chỉ và nỗ lực hơn.

Trên đây là 4 nhóm thời gian chính mà mình phân chia để bắt đầu lên kế hoạch và sắp xếp quỹ thời gian của mình trên đại học, các bạn có thể tham khảo hoặc tự phân chia dựa vào quỹ thời gian của bản thân bạn nhé.

2. Sắp xếp thứ tự ưu tiên

Sau khi phân chia quỹ thời gian của mình rồi, bạn đừng quên sắp xếp các nhóm thời gian ấy theo mức độ ưu tiên của riêng bạn để các công việc quan trọng nhất được hoàn thành một cách đúng hạn nhé.

Lên đại học, có rất nhiều hoạt động và sự kiện có khả năng gây cám dỗ rất cao. Do vậy, để không sa đà vào những hoạt động không đáng có và rồi bỏ lỡ những kế hoạch quan trọng, bạn cần biết cách lên danh sách ưu tiên và lựa chọn những công việc quan trọng nhất.

Như mình, khi bắt đầu bước vào một kì học mới, mình sẽ viết ra tất cả công việc và vị trí mà mình đang làm hay đảm nhận, hoặc những kế hoạch mà mình dự định sẽ làm trong thời gian sắp tới, sau đó bắt đầu sắp xếp thứ tự ưu tiên của những việc đó. Tất nhiên top đầu trong thứ tự ấy đối với mình luôn là việc học tập, mình lên danh sách và thời hạn cho các bài báo cáo, thảo luận, đề cương,… rồi mới đến các kế hoạch như dự án, viết blog hay đi làm thêm.

Những việc ít được ưu tiên nhất đối với mình chắc chắn là ngồi lướt web, facebook, hay đi dạo phố với bạn bè,… Mình không loại bỏ hoàn toàn những việc này mà sẽ dành thời gian làm chúng sau khi hoàn thành những công việc quan trọng khác.

Phương pháp quản lí thời gian bằng cách xác định mức độ ưu tiên này cũng đã được sáng lập bởi một vị tổng thống Mỹ có tên là Eisenhower nên bạn có thể tham khảo thêm về mô hình ma trận Eisenhower nhé.

Ma trận quản lí thời gian
Ma trận quản lí thời gian Eisenhower

3. Lập thời gian biểu và luôn có danh sách việc cần làm mỗi ngày

Sau bước phân chia quỹ thời gian và lập danh sách thứ tự ưu tiên, mình sử dụng Google Calendar để thiết lập và theo dõi toàn bộ lịch trình trong ngày, tuần, tháng và cả năm của mình.

Đầu tiên, ngay từ đầu kì học, mình sẽ note lại các mốc thời gian hoặc sự kiện cố định và quan trọng trong kì đó như lịch học trên trường, lịch họp dự án, lịch làm thêm, bài kiểm tra, thảo luận,… rồi sử dụng calendar đó để lên lịch trình cụ thể cho từng ngày của mình, với mục đích không để trống hay lãng phí bất cứ khoảng thời gian nào cả.

Và tất nhiên, vào buổi tối trước khi đi ngủ, mình sẽ không thể thiếu công đoạn lên danh sách các việc cần làm cho ngày hôm sau. Đây như là một việc bất di bất dịch trong cuộc sống của mình, mình sẽ không thể bắt đầu bất cứ công việc nào nếu như không có list công việc cần làm trên tay. Hãy tưởng tượng cảnh bạn chính tay gạch bỏ từng đầu mục công việc trong tờ todo list của bạn, thật sung sướng vô cùng và bạn sẽ càng có động lực để chăm chỉ hoàn thành list công việc đã đề ra.

Sử dụng google calendar quản lí thời gian trên đại học
Google Calendar quản lí toàn bộ lịch trình hàng ngày của Quanh
Quản lí thời gian trên đại học bằng todo list
Còn đây là to-do list của Quanh trên Calendar

4. Sự kỉ luật và tập trung

Trước đây, những ngày đầu năm nhất, khi mình chưa có bất cứ khái niệm nào về quản lí thời gian trên đại học, mình thường bị ngập ngụa trong hàng tá những công việc từ trường tới CLB rồi chỗ làm thêm. Và thậm chí, mặc dù làm nhiều việc như vậy, nhưng hầu hết không có việc nào mình cảm thấy thật sự xuất sắc hay ra hồn cả.

Sau cả một quãng thời gian dài mệt mỏi như vậy, mình nhận ra là mình thường có thói quen làm việc đa nhiệm – tức là làm nhiều việc một lúc và không tập trung cố định vào một việc nào cả. Điều này dẫn đến hậu quả là, cuối ngày, khi check lại danh sách việc cần làm, hầu hết các công việc đều còn dang dở.

Thế là, mình đã quyết định sẽ thay đổi từ cách làm việc ôm đồm sang làm việc một cách khoa học và chất lượng nhất có thể. Sau khi có danh sách việc cần làm của ngày hôm đó, mình chia nhỏ các việc đó vào từng khung giờ và đặt deadline cho từng việc (Ví dụ: hoàn thành việc A trước 10am, việc B trước 3pm, việc C trước 6pm). Và các bạn lưu ý đừng để công việc dồn vào buổi tối vì nếu hôm đó là một ngày mệt mỏi đối với bạn, bạn sẽ không còn sức để hoàn thành những công việc chưa đụng đến.

Trong từng khoảng thời gian làm mỗi việc, mình sử dụng Pomodoro hoặc Lifeat.io để bấm giờ thực hiện nhiệm vụ đó và tập trung hoàn toàn vào một nhiệm vụ mình đặt ra. Đặc biệt, trong lúc làm việc, mình sẽ tắt hết tất cả các thiết bị hay thông báo có khả năng gây mất tập trung hay cám dỗ mình như facebook hay messenger.

Lifeat.io - không gian duy trì sự tập trung khi học tập
Lifeat.io – Không gian giúp mình duy trì sự tập trung khi học tập và làm việc

5. Học cách nói “Không” và lựa chọn HĐNK hoặc công việc làm thêm một cách khôn ngoan

quản lí thời gian trên đại học - học cách nói không

Đối với mình, quan trọng nhất là học và làm những điều mà mình thực sự đam mê nhưng với ý thức trách nhiệm cao nhất. Nếu bạn quan niệm nhận càng nhiều công việc càng tốt, người nào vừa học tốt, vừa đi làm thêm, vừa tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa là hình mẫu lý tưởng thì có lẽ đó chưa phải là một suy nghĩ đúng đắn.

Đúng là trong suốt những năm tháng đại học, mình đã tham gia đủ cả 3 loại: học tập tốt, tham gia hoạt động ngoại khóa và đi làm thêm. Tuy nhiên, số lượng những hoạt động mà mình đã tham gia thì không hề nhiều, thậm chí chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi mình chỉ tập trung vào những hoạt động và công việc mình cảm thấy có ý nghĩa và chất lượng nhất.

Nếu như nhiều bạn học đồng trang lứa của mình từ năm nhất đã tham gia tới 5,7 dự án khác nhau, thì mình chỉ tham gia có duy nhất 2-3 dự án từ năm nhất cho tới giờ nhưng dự án nào mình cũng đều giữ vai trò chủ chốt trong dự án.

Với công việc làm thêm, mình cũng không lựa chọn những công việc tốn nhiều thời gian công sức và ít tác dụng với bản thân như bồi bàn, thu ngân hay bán hàng mà chỉ lựa chọn và ứng tuyển những công việc phục vụ cho việc phát triển kiến thức và kĩ năng chuyên ngành hiện tại mình đang theo học (ví dụ như Trợ giảng Tiếng Anh, gia sư, giáo viên Tiếng Anh, nhân viên xử lí dữ liệu Tiếng Anh,… do chuyên ngành của mình là Ngôn ngữ Anh)

Mình chỉ muốn nói rằng, nhà tuyển dụng không đánh giá số lượng đầu việc mà bạn đã làm mà chú trọng vào chất lượng, những cống hiến và thành tựu mà bạn đã làm được. Vậy nên hãy tham gia một cách có chọn lọc, hãy biết nói không khi cần thiết. Và một khi đã nhận việc gì thì hãy cố gắng và chủ động đóng góp hết sức cho nó- chỉ khi ấy thì việc làm thêm hay tham gia hoạt động ngoại khóa mới thực sự giúp ích cho bạn.

Trên đây là một số những kinh nghiệm về việc quản lí thời gian trên đại học của một sinh viên năm cuối là mình, hi vọng những điều mà mình chia sẻ sẽ giúp ích phần nào cho các bạn. Chúc bạn sẽ có một hành trình thật đáng nhớ trong những năm tháng sắp tới của mình. Peace!

Recommended Articles

2 Comments

  1. Chị ơi, thường thì chị sẽ tổng kết lại một ngày/tuần/tháng/năm của mình ntn để thấy được sự tiến bộ cũng như những điều bản thân cần cải thiện ạ. Và những tiêu chí chị đưa ra để đánh giá bản thân đã làm việc hiệu quả và năng suất chưa là gì ạ? Mong chị rep ạ, em cám ơn

    1. Hi em, cảm ơn em vì câu hỏi rất hay này nha. Để thấy được sự tiến bộ của mình thì trước tiên mục tiêu của em cần thật sự rõ ràng và cụ thể, tức là có thể đo lường được. Ngoài ra, từ mục tiêu lớn em phải chia được về các mục tiêu nhỏ và các mục tiêu nhỏ ấy cũng phải thật rõ ràng. Ví dụ, em đặt mục tiêu đạt GPA 3.6 và e chia ra thì bộ môn Tiếng Anh em phải đạt được A, vậy thì e phải chia tiếp ra để đạt được A bộ môn Tiếng Anh đó thì nó sẽ gồm điểm chuyên cần (đi học đầy đủ), điểm kiểm tra, thảo luận trên lớp, điểm cuối kì. Và để đánh giá xem mình đã đi được đến đâu thì e hãy kẻ bảng chia nhỏ các cột đó ra, lần lượt em thường xuyên vào check xem hôm nay mình đã đi học đầy đủ, mình có giơ tay phát biểu được cộng điểm, hôm qua mình có bài kiểm tra và mình được x điểm,… cứ như vậy dần dần đến cuối kì, nếu như tất cả các cột của em đều đạt điểm cao thì chắc chắn tổng kết em sẽ được A. Đó, tương tự với các môn khác, luôn luôn nhìn thấy kết quả trên một bảng kế hoạch cụ thể để theo dõi tiến độ của mình. Thấy hôm qua nghỉ học thì nay phải giơ tay phát biểu nhiều vào để được cộng điểm bù lại,… Đó là cách mình đánh giá chính xác được những điều mình đang thực hiện nha.
      Còn những tiêu chí để chị đánh giá bản thân thì sẽ dựa vào mục tiêu của chị yêu cầu những hành động nào cần thực hiện, chị đã chia nhỏ về công việc từng ngày từng tuần rồi mà chị vẫn chưa hoàn thành được những công việc ấy thì tức là chị đang bị chững lại, đang dậm chân tại chỗ. Cứ quan sát bản thân theo bảng kế hoạch mục tiêu theo ngày, theo tuần, tháng xem list mục tiêu em đề ra em có đang tiến gần đến nó qua việc hoàn thành những công việc hàng ngày không thì sẽ rõ e nhé.
      Mong câu trả lời của chị giúp ích được cho em. Peace ^^

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *