Top 10 việc sinh viên càng làm sớm càng đỡ hối hận

Top 10 việc sinh viên cần làm sớm để đỡ hối hận - quanhwithgenz

Từ cấp 3 bắt đầu lên đại học, sẽ không ít các bạn sinh viên có tư tưởng rằng lên đại học là khoảng thời gian bản thân được chính thức bung lụa, được tự do và nghỉ xả hơi sau quá trình dài học tập và ôn thi căng thẳng.

Từ đó, các bạn cho phép bản thân được buông thả và lao vào những cuộc ăn chơi tụ tập không hồi kết, nhiều bạn thậm chí trốn tiết, bỏ học đi giao du với bạn bè bên ngoài. Hay đơn giản, mỗi ngày của các bạn trôi qua bằng việc nằm dài bên chiếc điện thoại chỉ để lướt tiktok, facebook cho hết ngày.

Các bạn không biết rằng, đại học chính là những năm tháng mà chúng ta có thể tận dụng để hoàn toàn bứt phá và phát triển bản thân một cách không ngờ.

Bản thân mình, chớp mắt đã qua gần hết 4 năm đại học, mặc dù mình cảm thấy những năm tháng đại học của mình, mình đã cố gắng hết sức, 4 năm đại học là 4 năm đáng nhớ nhất cuộc đời mình. Nhưng nếu được quay lại, mình nhất định sẽ cố gắng hơn nữa để tận dụng tốt hơn những năm tháng quý giá này. Cùng mình điểm lại những việc mà mình thấy các bạn sinh viên nhất định cần làm ngay từ những năm đầu đại học nhé:

Contents

1. Xác định mục tiêu ngay từ đầu

các việc sinh viên cần làm - xác định mục tiêu từ đầu

Mình nói về mục tiêu trong mọi bài viết, bởi đây luôn là việc mình cảm thấy quan trọng nhất dù cho bạn đang muốn hoặc chuẩn bị làm bất cứ việc gì.

Vạch ra mục tiêu, bạn mới biết bản thân bạn đang muốn gì, muốn trở thành người như nào và muốn đạt được những gì trong những năm tháng sắp tới của bạn. Người không có mục tiêu thì giống như bạn đang mò đường trong đêm tối, cứ đi và đi trong vô định mà cũng chẳng biết mình đang đi về đâu và mình đang cố gắng vì điều gì.

Hãy thử tưởng tượng, một người không có mục tiêu và không vạch ra mục tiêu cụ thể thì người đó lấy đâu ra lí do và động lực để mà cố gắng đây?

Luôn luôn viết ra mục tiêu mà bạn muốn đạt được, dù cho đó là mục tiêu về học tập, về công việc, sức khỏe, hay các mối quan hệ. Và hãy viết thật cụ thể dựa theo mô hình SMART mà mình hay nhắc tới nhé.

Với bản thân mình ngay từ năm nhất mình đã lên mục tiêu:

  • Đạt học bổng hàng năm
  • GPA trên 3.6
  • Tốt nghiệp loại xuất sắc
  • Toeic 990
  • Tham gia các hoạt động ngoại khóa và cải thiện tất cả các kĩ năng liên quan đến public speaking, lãnh đạo, làm việc nhóm, quản trị dự án, lập kế hoạch,…
  • Xây dựng và mở rộng thật nhiều những mối quan hệ chất lượng
  • Tham gia NCKH
  • Chạy bộ ít nhất 3km/ngày
  • Tự chủ tài chính và kiếm được thu nhập từ năm nhất

…..

Và hầu hết các mục tiêu này của mình đều gần như đã đạt được do từng mục tiêu mình đều lên rất cụ thể những công việc cần làm để đạt được mục tiêu ấy, mình cứ chia nhỏ và tiến từng bước, vậy là mình cứ lần lượt hoàn thành các mục tiêu ấy một cách hoàn toàn tự nhiên và dễ dàng.

2. Lên thời gian biểu hợp lí

Sử dụng google calendar quản lí thời gian trên đại học - việc sinh viên cần làm
Google Calendar quản lí toàn bộ lịch trình hàng ngày của Quanh

Ai làm sinh viên chắc cũng hiểu, tình trạng ngụp lặn giữa hàng đống deadline, bài thảo luận trên trường, rồi vô vàn các hoạt động, sự kiện từ các dự án, CLB và cả công việc làm thêm bên ngoài dẫn đến việc bản thân bị quá tải và stress thì không hề hiếm gặp.

Tuy nhiên, việc bạn để bản thân stress và quá tải như thế sẽ dẫn đến những hệ lụy về lâu dài. Hiệu suất công việc giảm, bạn mệt mỏi và làm mọi thứ một cách hời hợt chống đối, bạn tham gia nhiều nhưng cuối cùng lại nhận được bao nhiêu do bạn mải miết chạy theo số lượng thay vì chất lượng. Và đặc biệt, đó là do bạn không biết cách sắp xếp thời gian biểu một cách hợp lí.

Deadline chỉ tồn tại khi chúng ta để đến sát giờ mới làm, sát giờ mới cuống lên hoàn thành để nộp thành phẩm. Để rồi cuối cùng, sản phẩm không được chau chuốt một cách tỉ mỉ, không được đầu tư kĩ lưỡng, mà chính bản thân bạn sẽ mãi mệt mỏi khi dùng bao năm cuộc đời chỉ để chạy hết deadline này đến deadline khác mà không biết phân bổ thời gian một cách hợp lí. Vậy thì, có gì để chúng ta tự hào khi chúng ta là thánh chạy deadline chứ đúng không?

Hãy bắt đầu học cách lập kế hoạch và lên thời gian biểu cho mọi công việc mà bạn đang làm, hãy chia nhỏ mục tiêu và thực hiện dài hạn thay vì chờ đến hạn chót. Và đặc biệt, hãy biết sắp xếp mọi thứ theo thứ tự ưu tiên, bạn cần biết điều gì là quan trọng đối với cuộc sống và tương lai của bạn để tập trung vào những thứ ấy thay vì chạy theo số lượng, chạy theo đám đông.

Và cũng hãy học cách buông bỏ những thứ không thực sự hữu ích, dành thời gian cho cả chính bản thân mình, những sở thích và đam mê cá nhân để bạn tận hưởng cuộc sống của bạn một cách vui vẻ và trọn vẹn nhất.

3. Chuẩn bị bài trước khi lên giảng đường

các việc sinh viên cần làm - chuẩn bị bài trước khi đến lớp

Nếu ai hỏi mình bí quyết giúp mình đạt được kết quả cao trong học tập và trên lớp  đại học, mình không ngần ngại chia sẻ với bạn tầm quan trọng của việc chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

Bạn sẽ nhận ra tác dụng to lớn ấy nếu ngay từ hôm nay, bạn thử giở sách ra đọc trước bài ngày mai sẽ học, take note lại những khái niệm mà bạn chưa hiểu, lên mạng tra cứu những kiến thức bạn vừa đọc trong sách và trả lời những câu hỏi cuối chương sách.

Rồi sau đó, ngày mai, hãy lên lớp nghe giảng như bình thường, bạn sẽ nhận ra, mọi thứ cô giáo giảng bạn đều hiểu hết, bạn trả lời được câu hỏi cô đưa ra trước ánh mắt trầm trồ của những đứa bạn đang chưa load kịp câu hỏi. Và bạn thậm chí, cảm thấy mớ kiến thức loằng ngoằng, khó hiểu trong giáo trình vô cùng đơn giản và dễ hiểu.

Ngoài ra, thậm chí nếu ở nhà bạn đọc sách trước rồi, bạn gặp những phần chưa hiểu mà cũng chưa tìm được câu trả lời trên internet thì đến lớp bạn chỉ cần hỏi cô phần đó và tập trung nghe những phần bạn còn thắc mắc thì việc học của bạn sẽ vô cùng nhàn hạ.

Đặc biệt, đến cuối kì, bạn sẽ cảm thấy vô cùng dễ dàng khi ôn thi, vì bạn hầu như đã hiểu toàn bộ các chương do luôn chuẩn bị bài từ nhà trước khi đến lớp, cộng với việc tiếp tục lên lớp nghe cô giảng, vậy là bạn đã học đi học lại kiến thức đó mấy lần rồi.

Hãy luôn chuẩn bị một tinh thần chủ động học hỏi và tiếp thu kiến thức mọi lúc mọi nơi ngay từ khi bắt đầu vào đại học thay vì chông chờ vào thầy cô các bạn nhé.

4. Dành thời gian tự học

việc sinh viên cần làm - dành thời gian tự học ở nhà

Kiến thức là vô biên, nếu như chúng ta nghĩ học trên trường trên lớp là quá đủ rồi thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ bị thụt lùi lại so với tốc độ phát triển ngày càng nhanh của thế giới ngoài kia.

Chẳng hạn, với một sinh viên học chuyên ngành nào đó mà bản thân không tự tìm tòi học hỏi thêm những kiến thức thực tiễn bên ngoài, không tham gia các dự án hay hội thảo liên quan đến chuyên ngành mình đang học thì sớm muộn các bạn sẽ bị đào thảo bởi rất nhiều những bạn trẻ tài năng ngoài kia.

Hãy luôn nhớ rằng, kiến thức trong các giáo trình đại học đã được đúc kết nhiều năm nhưng nó có thể đã lỗi thời so với thời đại công nghệ ngày càng phát triển như hiện giờ. Cho nên, bạn cần luôn chủ động cập nhật và tự hoàn thiện phát triển bản thân trong chính lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi nhé.

Bản thân là sinh viên ngành ngôn ngữ, mình biết Tiếng Anh không bao giờ đủ để mình có thể tự tin cạnh tranh trong thị trường lao động ngày càng khốc liệt như hiện nay. Chính vì vậy, mình luôn trong tâm thế chủ động tìm tòi và khám phá học hỏi những lĩnh vực khác ngoài ngành học mình đang học tại trường.

Mình tham gia rất nhiều các khóa học online về Marketing, Content, Social Media,…đặc biệt là khóa Kinh Doanh Online tổng hợp của chị Nhung Phùng mà mình đã nhắc tới nhiều lần trong các bài blog trước đó. Chỉ nhờ những khóa học như này mà mình đã và đang có những bước đi vững chắc trên con đường phát triển sự nghiệp và xây dựng thương hiệu cá nhân của bản thân.

5. Tham gia các group về học tập, rèn luyện kĩ năng

Sinh viên cần tham gia các hội nhóm rèn luyện kĩ năng

Mình còn nhớ những ngày đầu mới lên đại học, mình rất hai lúa và hầu như chả biết tới group nào chia sẻ về kiến thức hay kĩ năng cho những sinh viên như mình cả.

Mình cảm thấy các bạn sinh viên hiện nay đã may mắn hơn nhiều, bởi vì số lượng các group về kiến thức, kĩ năng hay kinh nghiệm học tập, làm việc đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các nền tảng MXH.

Đây là lợi thế mà các bạn sinh viên nên tận dụng để học hỏi nhiều hơn kinh nghiệm từ các anh chị đi trước, những người đã có kinh nghiệm làm ngành, làm nghề cũng như thu lượm cho bản thân những kiến thức và chia sẻ quý báu từ tất cả những người trẻ tài năng ngoài xã hội.

Mình thậm chí đã ước, ước gì có ai đó chỉ cho mình những bài học như thế này từ khi mình còn là sinh viên năm nhất thì có lẽ lúc đó mình đã không cảm thấy hoang mang lo lắng nhiều như lúc ấy.

Đó cũng chính là lí do mình thấu hiểu những khó khăn của các bạn sinh viên khi vừa bước lên cuộc sống đại học, và rồi mình tạo ra Quanh With GenZ với mong muốn chính mình trao lại những giá trị và bài học mình đúc kết được cho các bạn, đồng hành cùng các bạn vượt qua khoảng thời gian của tuổi trẻ.

6. Tìm kiếm những cơ hội

Tìm kiếm những cơ hội

4 năm đại học thực sự trôi qua rất nhanh, nếu như bạn chỉ ngồi đó và chờ cơ hội đến với mình, nếu như bạn nghĩ rằng tập trung học trên trường, trên lớp là đủ, thì bạn đã và đang lãng phí 4 năm quý giá nhất cuộc đời để phát triển bản thân mình đó.

4 năm đại học là khoảng thời gian mà bạn không phải lo nghĩ đến cơm áo gạo tiền, là lúc bạn có thể tìm kiếm và khám phá ra những đam mê, thế mạnh của bản thân qua những cơ hội, những trải nghiệm quý giá thời sinh viên.

Hãy chủ động tìm kiếm những cơ hội thông qua các tổ chức tình nguyện, các dự án xã hội, tổ chức phi chính phủ, các cơ hội thực tập, làm thêm và cả các buổi hội thảo, workshop, bootcamp,…để khai thác tối đa tiềm tăng và phát triển toàn diện các kĩ năng của bạn trước khi ra trường.

Không ai giúp được cho bạn ngoài chính bạn cả, cho nên, hãy luôn chủ động tìm kiếm và nắm bắt những cơ hội đến với mình.

Tham khảo thêm bài viết mình đã viết về 5 tips để trở thành 1 sinh viên năng động tại đây

7. Rèn luyện kĩ năng mềm

Bạn có biết một trong những lời khuyên được các anh chị sau khi ra trường, tham gia vào thị trường lao động và thậm chí cả những CEO hay giám đốc truyền lại nhiều nhất cho sinh viên chúng mình là gì không?

Đó không phải là lời khuyên rằng hãy lao đầu vào học thật giỏi để đạt điểm cao hay có tấm bằng xuất sắc để đi xin việc, cũng không phải là việc cố nhớ hết những kiến thức bạn thu lượm được từ những cuốn giáo trình dày cộp trên đại học. Mà đó là việc cố gắng trau dồi và cải thiện các kĩ năng mềm thật tốt trước khi ra trường.

Bởi vì đến khi đi làm, bạn sẽ hiểu ra, việc có một nền tảng kiến thức tốt từ trường đại học của bạn sẽ không bao giờ đủ để bạn thăng tiến trên con đường sự nghiệp. Bạn sẽ không thể nhớ hết được tất cả những kiến thức bạn được dạy trên trường nhưng những kĩ năng mà bạn trau dồi và rèn luyện được sẽ theo bạn đến mãi sau này.

Hãy tận dụng 4 năm đại học của bạn để phát triển các kĩ năng thuyết trình, làm việc nhóm, lãnh đạo, kĩ năng lập kế hoạch, phản biện, đặt câu hỏi, giải quyết vấn đề, và cả kĩ năng đàm phán, thuyết phục,vv. thông qua việc tham gia những hoạt động ngoại khóa, dự án, cuộc thi, câu lạc bộ, và cả việc đi thực tập và làm thêm từ sớm.

Bạn sẽ nhận ra việc bạn có những bước tiến rõ rệt hơn những người bạn đồng trang lứa của bạn chính là nhờ những kĩ năng như thế này.

8. Tìm cho mình những người bạn

Sinh viên cần tìm cho mình những người bạn

Đại học khác với cấp 3, bạn sẽ không còn được học cùng với lũ bạn từ nhỏ đến lớn như trước kia nữa. Thay vào đó, bạn học với rất nhiều các bạn sinh viên đến từ khắp mọi tỉnh thành trên cả nước, và mỗi lớp bạn lại học với những người khác nhau chứ không phải học chung từ năm 1 đến hết năm cuối đại học.

Điều này khiến cho chúng ta thường cảm thấy khó khăn trong việc làm quen và tìm kiếm những người bạn thân thiết. Và đa số, mọi người thường cho rằng, bạn đại học chỉ là những người bạn xã giao trên giảng đường lớp học.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta không tìm được cho mình những người bạn thân. Bằng việc chủ động mở lòng và kết nối, bạn sẽ tìm được những người bạn chí cốt và thậm chí bạn đại học của bạn sẽ là bạn tri kỉ cho tới mãi sau này.

Mình đã tìm được những người bạn như thế khi chúng mình học chung nhiều lớp học phần, ở chung kí túc xá, khi mình tham gia CLB trong trường, tham gia dự án và cả những người bạn ở chỗ làm thêm của mình nữa.

Tại sao có bạn bè trên đại học lại quan trọng đến thế? Bởi vì, bạn sẽ rất cô đơn và lạc lõng nếu như không có ai đó ở bên sẻ chia cùng bạn những niềm vui, nỗi buồn trên cuộc sống đại học. Cuộc sống đại học sẽ tuyệt vời hơn nhiều nếu bạn tìm được cho mình những người bạn đồng hành cùng bạn vượt qua những khó khăn trong học tập, trong cuộc sống.

Và thậm chí, ngay cả khi ra trường, dù các bạn có làm những ngành nghề khác nhau, thì những người bạn đại học ấy có thể giúp bạn rất nhiều nếu như bạn gặp khó khăn trong công việc hay cuộc sống.

Vì vậy, dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, thì cũng hãy cố gắng chủ động tìm kiếm những người bạn đại học tri kỉ của mình nhé.

9. Xây dựng thương hiệu cá nhân

Xây dựng thương hiệu cá nhân nghe qua thì có vẻ vô cùng to tát. Tuy nhiên, đây đơn giản chỉ là tổng hợp những gì người khác nghĩ và nhìn nhận về bạn.

Ví dụ, trong trường, sẽ có những bạn sinh viên nổi tiếng thuyết trình giỏi, có bạn thành tích học tập xuất sắc, có bạn năng nổ trong mọi hoạt động ngoại khóa, hay có năng khiếu gì đó nổi trội,… Đó chính là thương hiệu cá nhân.

Có thể, bạn sẽ nghĩ, thương hiệu cá nhân là phải thật sự nổi trội và xuất sắc. Tuy nhiên, nó lại không phải là như vậy. Mỗi người đều sẽ có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Và dù bạn có chủ động xây dựng thương hiệu cá nhân hay không, thì bạn vốn luôn có một thương hiệu trong mắt người khác. Vậy thì, nhiệm vụ bây giờ của bạn là, hiểu rõ những điểm mạnh, điểm yếu của mình để bắt đầu xây dựng hình ảnh mà bạn muốn truyền tải tới mọi người xung quanh bạn.

Xây dựng thương hiệu cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội và trong môi trường thực tế ngay từ năm nhất đại học đã giúp mình rất nhiều trong việc tạo dựng các mối quan hệ, tìm kiếm các cơ hội phát triển bản thân và các cơ hội việc làm so với những bạn đồng trang lứa.

Vì vậy, thay vì tự ti nói rằng “Mình là ai mà có thể xây dựng được thương hiệu cá nhân”, hãy nghĩ theo hướng “Mình có gì để đóng góp cho cộng đồng, giúp ích cho người khác, kể cả là nó chưa đủ nhiều hay đủ tốt”. Quan trọng nhất vẫn là mong muốn và sự chủ động nơi bạn mà thôi.

10. Nỗ lực ngay từ đầu

sinh viên cần nỗ lực ngay từ đầu

Bạn có biết điểm khác biệt giữa một sinh viên có thành tích xuất sắc và một sinh viên chỉ đến lớp để điểm danh cho đủ số tiết là gì không. Đó là sự nỗ lực.

Nếu như bạn chỉ muốn nhanh chóng ra trường với một tấm bằng hạng khá, bạn đi học chỉ vì phải đi học và bạn luôn trong trạng thái nằm lười một chỗ lướt facebook, instagram cả ngày.

Thì ở ngoài kia, những người xuất chúng, ngày từ đầu, họ đã đánh đổi rất nhiều thời gian giải trí để chăm chỉ học hành, cải thiện điểm sổ, họ dậy sớm thức khuya học bài, đọc sách, họ liên tục chủ động tìm kiếm những cơ hội bằng cách tham gia các khóa học, các cuộc thi, các chương trình hội thảo mà nhờ nó họ có thể thay đổi tương lai và cuộc sống của chính họ theo hướng tốt hơn.

Còn bạn, nếu bạn không muốn tương lai của mình trở nên mông lung và mờ mịt, hãy nỗ lực ngay từ đầu, nỗ lực vì một tương lai tốt hơn của chính bạn, và vì mục tiêu mà bạn đang hướng tới. Bạn không chịu đánh đổi bây giờ thì bạn sẽ phải đánh đổi bằng tương lai của bạn đấy.

Tổng kết lại, đây là những việc mà mình nghĩ các bạn sinh viên nên bắt đầu làm ngay từ những ngày đầu bước chân lên đại học để có thể tận dụng tối đa khoảng thời gian 4 năm đại học quý giá.

Tuy nhiên, đó không phải là danh sách mà các bạn bắt buộc phải hoàn thành tất cả. Mỗi người sẽ có những mong muốn và điều kiện khác nhau. Hãy hiểu rõ chính mình và những mục tiêu của mình để bắt đầu xây dựng cho bản thân một bản kế hoạch 4 năm đại học thật đáng nhớ nhé.  

Recommended Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *