Mình đã và đang tự học hàng ngày như thế nào?

Mình đã và đang tự học hàng ngày như thế nào

Mình đã hoàn thành khóa luận tốt nghiệp cuối cùng của đời sinh viên cách đây gần 1 tháng, nhưng từ đó đến nay, việc học của mình chưa từng có dấu hiệu dừng lại.

Sau khi đã hoàn thành tất cả việc học chính quy, cũng đã và đang hàng ngày tìm tòi học hỏi thêm vô vàn thứ mới, mình mới thật sự thấm cái lợi tuyệt vời của sự học chủ động.

Và hôm nay, mình đơn giản chỉ muốn chia sẻ một chút về hành trình học và lớn lên của mình, cũng như lí do mà hành trình ấy với mình vẫn chưa bao giờ có hồi kết.

  • Mình hiểu rất rõ cảm giác của việc học bị động

Đó là khi chúng ta thường xuyên phải gò mình vào những giờ học trên lớp, trên trường ở những cấp học dưới, mà nhiều khi chính chúng ta vẫn chưa nhận thức được lí do tại sao có những tiết học đó và nó sẽ giúp ích như thế nào với cuộc sống thực tiễn bên ngoài.

Đó là khi chúng ta đi học bởi vì chúng ta “phải học” chứ không phải vì chúng ta “muốn học”. Và rồi điều gì xảy ra nhỉ, hiện trạng đi học để điểm danh, đi học để hoàn thành chương trình, để đạt được điểm số thật cao trên lớp, để có được tấm bằng loại giỏi vẫn đang tiếp diễn không ngừng nghỉ trong cuộc sống hàng ngày.

Và theo mình nó thực sự khá là nguy hiểm đấy.

Chính cảm giác “phải học” ấy sẽ gây ra cho chúng ta tâm lí “sợ học” và “chán học” mà nhiều thế hệ học sinh, sinh viên đang gặp phải.

Thậm chí, nhiều bạn sẽ có tâm lí “phải cố gắng học nhanh nhanh để được ra trường, thoát khỏi cảnh học những giờ học lí thuyết dài dằng dặc không hồi kết, rồi những lần làm tiểu luận với một sấp giấy toàn chữ là chữ, nhưng tính thực tiễn của chúng thì chỉ dừng lại ở một giới hạn nào đấy trên sách vở và kho tài nguyên của nhà trường.

Càng học nhiều, càng trải nhiều và làm nhiều, mình càng hiểu thấu hơn tầm quan trọng của hai từ “thực tiễn”.

Đó là lí do, hàng ngày, mình vẫn liên tục tự vấn và đặt ra rất nhiều những câu hỏi cho bản thân như: “mình đang gặp những vấn đề gì trong công việc, trong cuộc sống”, “mình còn thiếu trải nghiệm, thiếu kĩ năng nào”, “mình muốn phát triển bản thân ở mảng nào nữa”, “với những mục tiêu mà mình đặt ra cho tương lai của mình, mình cần học và trau dồi thêm những gì để đạt được những mục tiêu ấy”,…

Và chính vấn đề cùng những mong muốn từ sâu bên trong ấy là nguồn động lực thôi thúc mình đi tìm câu trả lời, thôi thúc mình học và học hàng ngày, để đạt bằng được những mục tiêu mà tự mình đề ra cho cuộc sống của chính mình.

Không còn ai ép mình học, không có ai thúc giục mình giở sách ra đọc mỗi ngày, không có ai giục mình vào lơp và cũng không có ai điểm danh số giờ lên lớp của mình cả.

Và mình cũng không học cho ba, cho mẹ, cho nhà trường và xã hội, cũng không học để so sánh với ai.
Tất cả động lực học của mình hiện giờ đều chỉ đến từ khao khát và nhu cầu trưởng thành, nhu cầu phát triển của chính mình, không phải để chạy theo bất cứ tiêu chuẩn hay chuẩn mực nào ở ngoài xã hội.

“𝑲𝒉𝒊 𝒃𝒂̣𝒏 𝒃𝒂̆́𝒕 đ𝒂̂̀𝒖 𝒍𝒂̀𝒎 𝒎𝒐̣𝒊 𝒕𝒉𝒖̛́ 𝒃𝒐̛̉𝒊 𝒗𝒊̀ đ𝒐̣̂𝒏𝒈 𝒍𝒖̛̣𝒄 đ𝒆̂́𝒏 𝒕𝒖̛̀ 𝒃𝒆̂𝒏 𝒕𝒓𝒐𝒏𝒈 𝒃𝒂̣𝒏 𝒄𝒉𝒖̛́ 𝒌𝒉𝒐̂𝒏𝒈 𝒑𝒉𝒂̉𝒊 𝒃𝒆̂𝒏 𝒏𝒈𝒐𝒂̀𝒊, 𝒃𝒂̣𝒏 𝒍𝒂̀𝒎 𝒗𝒊𝒆̣̂𝒄 đ𝒐́ 𝒗𝒊̀ 𝒄𝒉𝒊́𝒏𝒉 𝒃𝒂̣𝒏 𝒗𝒂̀ 𝒗𝒊̀ 𝒃𝒂̣𝒏 𝒎𝒖𝒐̂́𝒏 𝒏𝒉𝒖̛ 𝒗𝒂̣̂𝒚 𝒄𝒉𝒖̛́ 𝒌𝒉𝒐̂𝒏𝒈 𝒑𝒉𝒂̉𝒊 𝒗𝒊̀ 𝒂𝒊 𝒉𝒂𝒚 𝒗𝒊̀ 𝒑𝒉𝒂̂̀𝒏 𝒕𝒉𝒖̛𝒐̛̉𝒏𝒈 𝒏𝒂̀𝒐 𝒌𝒉𝒂́𝒄, đ𝒐́ 𝒄𝒖̃𝒏𝒈 𝒍𝒂̀ 𝒍𝒖́𝒄 𝒃𝒂̣𝒏 𝒍𝒂̀𝒎 𝒄𝒉𝒖̉ 𝒄𝒖𝒐̣̂𝒄 𝒔𝒐̂́𝒏𝒈 𝒄𝒖̉𝒂 𝒄𝒉𝒊́𝒏𝒉 𝒎𝒊̀𝒏𝒉.”

👉 Tư duy ấy đã giúp mình duy trì việc tự học ít nhất 2 tiếng/ngày trong suốt một năm trở lại đây.
Và mình chưa bao giờ tin câu nói “Khi học trò sẵn sàng thì người thầy sẽ xuất hiện” nó lại đúng đến như thế.

Trong vài tháng trở lại đây, mình đã tham gia gần chục khóa học cả có phí và miễn phí mỗi tuần. Và tất cả đều là những thứ mình đang cần, đang thiếu và chúng cứ lần lượt đến với mình đúng cái lúc mà mình đang cần nhất.

👉 Dưới đây là những bước không thể thiếu trên hành trình tự học của mình:

Nguyên tắc của mình là, “Cần gì thì học đó”, cho nên bất cứ thứ gì mình học, mình luôn phải xác định được chính xác mình học cái đó để làm gì, mình sẽ áp dụng nó vào khía cạnh nào trg cs hay nó sẽ giúp ích gì cho công việc và những mục tiêu sắp tới của mình.

Việc bạn xác định rõ bạn cần gì từ cuốn sách, từ khóa học mà bạn tham gia hay bất cứ loại tài liệu hoặc thông tin gì mà bạn mới tiếp xúc sẽ giúp bạn đi thẳng vào trọng tâm vấn đề và tiết kiệm đc vô vàn thgian trg cs thay vì đọc và học những thứ có thể chưa thực sự cần thiết cho cs của bạn.

  • Do vậy, bước đầu tiên sẽ luôn là bước liệt kê vấn đề, biết rõ chính xác mình đang cần gì, thiếu gì để mà biết đường bổ sung thứ đó cho mình (để bản thân không bị tiếp thu kiến thức 1 cách ào ạt và bừa phứa)
  • Bước thứ 2, mình đặt ra thứ tự ưu tiên cho từng vấn đề mà mình đang gặp phải, vấn đề nào lớn nhất thì phải giải quyết trước, phải đi học để bổ sung kiến thức đó trước chứ không là 10 vấn đề rồi tìm cách giải quyết cả 10 là tẩu hỏa nhập ma luôn.
  • B3: Khi đặt thứ tự ưu tiên rồi thì nhớ đặt deadline cho từng vấn đề cần giải quyết, kĩ năng đó phải học trong bao lâu, bao lâu thì có kết quả và mục tiêu đầu ra cho từng kĩ năng đó là gì? Phải đạt được kết quả gì sau khi học xong?
    (Vd: Mình học xong khóa học kiếm tiền online từ blog và mạng xã hội thì mình phải đặt mục tiêu kiếm được bao nhiêu tiền từ các kênh đó, thu nhập của mình đến từ những nguồn nào, chứ mình không xây kênh và blog để giải trí hay cho vui. Và đó là lí do mà mình kiếm được tiền từ blog của mình, còn nhiều bạn cũng làm blog mà không kiếm được, nên việc đặt mục tiêu với mình quan trọng lắm, mình làm gì cũng bắt buộc phải có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng)
  • B4: Bắt đầu lần lượt đi tìm giải pháp cho từng vấn đề mà mình đang gặp phải, với vấn đề đó thì mình có thể học từ những nguồn nào, học ở đâu (sách gì, kênh youtube nào, trang web nào, khóa học nào phù hợp)
  • B5: Tiếp đó, phân chia thời gian học trong ngày cho phù hợp, mỗi ngày phải đọc bao nhiêu trang sách về kĩ năng đó, đọc vào lúc nào, đến giờ nào thì lên kênh youtube để xem và học, đến giờ nào thì tham gia vào khóa học,…
  • B6: Cuối cùng là cứ theo những mục tiêu, thời gian biểu đã đặt ra mà học thui. Và đừng quên là LUÔN LUÔN GHI CHÉP và LƯU LẠI những gì mà mình học được nhé.
    Não của chúng ta không thần kì đến mức vậy đâu, nên đừng bắt nó phải tự ghi nhớ toàn bộ những gì mà bạn học được.
    Chắc mình sẽ có một bài viết riêng về cách mình ghi chép và lưu trữ kiến thức hàng ngày, nhưng nhìn chung là hãy tự chủ động tạo cho bản thân một KHO LƯU TRỮ riêng, để bạn có thể biến mọi podcast bạn nghe, sách báo bạn đọc, kiến thức bạn học được thành những nguyên liệu giúp bạn nâng cao chất lượng công việc, cuộc sống hàng ngày, đồng thời dễ dàng tìm lại những kiến thức giá trị đó cho dù là sau 6 tháng, 1 năm hay nhiều năm sau nhé. Kiến thức là kho báu mà, bạn hãy lưu giữ cần thận nhé

Đó là cách mà mình đã và đang tự học mỗi ngày, mình tự học và tự học một cách có chủ đích, có kế hoạch chứ không thụ động tiếp thu kiến thức một cách ào ạt và mất kiểm soát, để rồi dẫn đến tình trạng học nửa vời, mau chán và không thu lại được kết quả như mong đợi.

Đối với mình, việc “Học” quan trọng như hơi thở, nó gần như không thể tách rời khỏi cuộc sống thường nhật của mình. Học giúp mình mở mang đầu óc, khai phá tư duy, trui rèn nội lực và thúc đẩy sự sáng tạo. Cho nên, dù chưa tốt nghiệp, mới tốt nghiệp hay đi làm được bao lâu đi chăng nữa, chắc chắn mình sẽ chẳng bao giờ dừng lại công cuộc “học hành và chinh phục kiến thức”.

Hi vọng bài chia sẻ hôm nay về việc “học hành chủ động” sẽ đem lại chút động lực và niềm tin cho những ai đang chán nản với việc “học” và chỉ muốn mau mau ra trường để chấm dứt công cuộc học hành của bản thân nhé. Việc học sẽ vô cùng vui, vô cùng thú vị, thậm chí là “nghiện học” (giống mình) nếu như bạn hiểu rõ bạn đang học cái gì và việc học đó sẽ giúp ích cho cuộc đời của bạn ra sao.

Recommended Articles

2 Comments

  1. Bản thân là 1 người vừa đang đi làm và đi học nên mình cảm nhận được rõ tầm quan trọng của việc học chủ động. Tác giả bài viết này đã chia sẻ rất thật tâm, đủ ý và dễ hiểu, cảm ơn bạn.

    1. cảm ơn bạn đã đọc và để lại comment cho mình nè

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *