Ngôn ngữ Anh có gì

Ai trong chúng ta ngày nay đều nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của Tiếng Anh cũng như sự góp mặt của ngôn ngữ toàn cầu này trong tất cả mọi hoạt động của đời sống. Vì lí do đó mà ngày càng có nhiều hơn các bạn trẻ chọn học ngôn ngữ Anh như một ngành học để tìm hiểu, để nghiên cứu kĩ hơn và để theo đuổi ước mơ của các bạn.

Tuy vậy, hiện nay vẫn còn tồn tại khá nhiều những câu hỏi, những băn khoăn và cả những ý kiến trái chiều đặt ra xung quanh ngành học này. Vì thế, hôm nay mình quyết định viết lên những dòng chia sẻ này hi vọng các bạn, các em còn đang hoang mang trước ngưỡng cửa chọn ngành chọn nghề phần nào đó sẽ có thêm cho bản thân nhiều động lực, nhiều định hướng hơn nữa để theo đuổi đam mê của bản thân với ngành học này.

Contents

1. Mình đến với Ngôn ngữ Anh như thế nào?

Tại sao mình chọn ngành này?

Đây có lẽ là câu hỏi mà rất nhiều người đã hỏi mình và thậm chí có lúc mình cũng không biết tại sao. Đọc đến đây chắc mọi người sẽ cười mình, nhưng đúng thật là vậy đấy, 3 năm học cấp 3 mình đều theo ban A và cũng chưa từng có ý định sẽ theo học ngành Ngôn ngữ.

Cho đến những ngày hè cuối năm lớp 11, trong khi sốt sắng lao đi học Tiếng Anh với lũ bạn…chỉ vì sợ trượt tốt nghiệp các bạn ạ :), vâng chính lúc đó mình gặp người thầy dạy Tiếng Anh của mình, người đã nuôi dưỡng và chắp cánh cho mình niềm đam mê với Tiếng Anh từ những ngày còn mất gốc. Thầy khơi nguồn nơi mình sự ham thích với thứ ngôn ngữ xa lạ mà hay ho này.

Và cứ thế, từ một đứa dốt đặc cán mai môn Tiếng Anh (chỉ đi học thêm vì muốn đỗ Tốt Nghiệp), từ một đứa vốn dĩ đang học ban A, chỉ trong vòng vài tháng mình vươn lên dẫn top đầu lớp học thêm chuyên Anh ngày đó của thầy. Rồi sau đó chẳng chần chừ gì cả, mình hỏi ý kiến thầy và xin bố mẹ cho mình chuyển khối thi. Mình đã bắt đầu lựa chọn Ngôn ngữ này từ ngày đó.

Đến bây giờ mình đã nhận được gì từ ngành ngôn ngữ Anh?

Lúc đầu khi mới chọn học Ngôn ngữ Anh, mình cũng đã rất hoang mang không biết lựa chọn của mình đúng hay sai, ngành này có thật sự dành cho mình chứ, mình có khả năng không,…

Nhưng một lần nữa, cuộc sống trên mái trường đại học đã trả lời mình những câu hỏi đó. Mình thật sự đã nhận được rất nhiều những trải nghiệm và những cơ hội mới: Mình gặp các anh chị, các mentor siêu giỏi định hướng cho mình, mình tham gia CLB Tiếng Anh và trở thành tân chủ tịch CLB, rồi mình được nhận vào làm thêm ở rất nhiều chỗ, các trung tâm Tiếng Anh, các tổ chức phi chính phủ, các dự án,… từ khi chỉ là sinh viên năm nhất.

Mình chỉ muốn nói rằng, khi các bạn đã có lòng ham thích và đam mê một thứ gì đó, mọi giới hạn và những lời bàn tán đều trở nên vô nghĩa. Không quan trọng là các bạn đã hoặc đang giỏi hay không, không quan trọng thời gian bạn tiếp xúc với thứ ngôn ngữ này dài hay ngắn, chỉ cần bạn có lòng ham mê muốn tìm hiểu nó, bạn chắc chắn sẽ làm được.

2. Học ngôn ngữ Anh là học những gì?

học ngành ngôn ngữ Anh là học những gì?

Có phải học ngành này là chỉ học nghe – nói – đọc – viết – ngữ pháp là hết. Có lẽ đây là định kiến sai lầm của rất nhiều bạn khi chọn đăng kí ngành này và sau nó thì bị “vỡ mộng”, tại sao nhỉ?

– Các học phần như Nghe – Nói – Đọc – Viết các bạn vẫn sẽ được học, nhưng chủ yếu sẽ là ở những năm đầu khi mới bước vào trường, như một cách để trau dồi và bồi dưỡng những kĩ năng cơ bản về ngôn ngữ này.

Tuy nhiên ngành Ngôn ngữ Anh không đào tạo Tiếng Anh lại từ đầu, nó mặc định các bạn phải có sẵn kiến thức Tiếng Anh ở một trình độ nhất định, đây là ngành học để mọi người nghiên cứu và học sâu hơn về ngôn ngữ này nên nhớ tìm hiểu và căn nhắc kĩ nha!

– Đây là một chuyên ngành mang tính học thuật, nó đòi hỏi bạn sẽ đi sâu tìm hiểu bản chất, nguyên lí của ngữ âm, ngữ pháp trong Tiếng Anh, tại sao Tiếng Anh có hình thù như thế này mà không phải thế khác.

Ngành ngôn ngữ Anh sẽ gồm những môn học mang tính học thuật như: Introduce to Linguistic (Dẫn luận ngôn ngữ học)- học về các khía cạnh cấu trúc ngôn ngữ, học các hệ ngôn ngữ trên thế giới; Ngôn ngữ học đối chiếu – So sánh ngôn ngữ này với ngôn ngữ khác để tìm ra điểm khác biệt; Phonetics & Phonology (Ngữ âm học và Âm vị học) – Học về tính chất trong phát âm Tiếng Anh,…

– Tiếp theo, bạn được học về văn hóa Anh-Mỹ, đề cập đến lịch sử, tình hình xã hội và tư tưởng con người của 2 nước Anh-Mỹ. Tại sao cần học thứ này hả? Hiểu biết văn hóa thì mới dịch thuật chuẩn và ngoại giao truyền cảm với Anh, Mỹ.

– Không thể không kể đến những môn học đặc trưng của ngành này như: Theory of Translation (lí thuyết dịch), các kĩ thuật trong phiên dịch, thực hành biên, phiên dịch nâng cao,….

– Và cuối cùng thì vẫn là các môn học đại cương giống như bao ngành khác thui: Triết học Mác-Lênin, Đường lối, Tư tưởng,..

– Đi kèm với ngành học này là vô số các kĩ năng được trau dồi trong quá trình học như: kĩ năng thuyết trình, ngoại giao, quan hệ công chúng hay tổ chức sự kiện. Vì vậy có thể khẳng định rằng Ngôn ngữ Anh thực sự là một ngành học rất đa năng.

Có bạn sẽ thắc mắc tại sao phải học nhiều môn như thế nếu các bạn chỉ đi theo một ngành như đi dạy hay đi dịch chẳng hạn. Vâng, khi ra trường mỗi người các bạn sẽ làm một công việc khác nhau, có môn có lợi cho người này nhưng không có lợi cho người khác. Còn trách nhiệm của Khoa là phải dạy đầy đủ hết cho mọi người, ai dùng được cái nào thì tự chọn lọc cái đó, có những kiến thức bây giờ không có tác dụng nhưng trong tương lai xa sẽ được phát huy. Vì vậy hãy cứ học để chọn lựa và tìm ra cái phần mà mình sẽ gắn bó với nó cả đời nhé.

3. Học ngôn ngữ Anh ra trường làm gì?

học ngành Ngôn ngữ Anh ra trường làm gì?

Định kiến học khoa tiếng anh ra chỉ để đi dạy tiếng anh, biên phiên dịch, và xã hội đang bị bão hòa mấy ngành này?

Hiện nay không chỉ kể riêng chuyên ngành Tiếng Anh Thương Mại mà ngành Ngôn ngữ Anh nói chung đều được đào tạo vô số các môn kinh tế khác bổ trợ cho nó như: Marketing căn bản, Thương mại điện tử, Kế toán doanh nghiệp, Kinh doanh quốc tế,….

Chính vì vậy sau khi ra trường, các bạn khoa Ngôn ngữ Anh vẫn có thể theo ngành Nhân sự, Marketing, Kinh doanh nếu các bạn có đam mê với các ngành đó và dùng Tiếng Anh để bổ trợ cho công việc của mình.

Ngoài giảng dạy và dịch thuật ra các bạn sinh viên ngành này đều có thể trở thành những nhà nghiên cứu ngôn ngữ nếu các bạn thực sự đam mê nguồn gốc và các nền văn hóa hình thành nên thứ ngôn ngữ tuyệt vời này.

Vấn đề vẫn không phải có việc gì cho các bạn làm với cái ngành học này, mà là trong quá trình được nhà trường giảng dạy các bộ môn như vậy, trong quá trình các bạn tham gia các hoạt động, hội nhóm, trải nghiệm, các bạn đi làm thêm, các bạn tìm thấy sự hứng thú ở lĩnh vực nào, khía cạnh nào, để rồi các bạn phát triển sự nghiệp của mình với lĩnh vực đó, với cái ngách nhỏ nhoi mà các bạn tìm thấy đó.

“Hãy thử làm mọi thứ và bạn sẽ tìm ra thứ bạn thích sớm thôi” và “Hãy tập yêu lấy thứ mình còn thấy bỡ ngỡ, xa lạ và rồi nó sẽ yêu lại bạn”.

Cuối cùng, sau khi xác định chắc chắn rằng mình thực sự có lòng ham thích với ngành ngôn ngữ Anh này, các bạn cũng đừng quên xác định cho mình một mục tiêu và lộ trình học Tiếng Anh thật cụ thể để sớm chạm tới ước mơ chinh phục ngôn ngữ này các bạn nhé.

Hi vọng với những chia sẻ nhỏ của bản thân mình về ngành Ngôn Ngữ Anh, ngành mà vốn dĩ lúc đầu mình còn chả để ý đến, rồi đến khi tò mò, hứng thú, say mê với nó, có thể giúp những bạn, những em học sinh đang thật sự cảm thấy phân vân hay mông lung về ngành học này có thể có cho mình một cái nhìn lạc quan hơn, cởi mở hơn và sẵn sàng theo đuổi điều mà các em thật sự cho là đúng đắn.

Recommended Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *