Nhà tuyển dụng cần gì ở một ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm?

Nhà tuyển dụng cần gì ở ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm

Đây có lẽ là câu hỏi mà rất rất nhiều các bạn trẻ hiện nay thắc mắc khi bắt đầu đi tìm kiếm cho mình những công việc đầu tiên trong đời. Có bạn vẫn còn là sinh viên năm 2, năm 3, cũng có bạn năm cuối và chuẩn bị ra trường. Ai cũng mang trong mình những trăn trở riêng khi bắt đầu dấn thân vào thị trường tuyển dụng việc làm ngoài kia.

Bản thân mình là một người đã bắt đầu đi làm từ cuối năm nhất Đại học, trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau, thực tập có, part-time có, fulltime cũng có luôn. Và hiện tại mình cũng đã bắt đầu với công việc HR ở một công ty trong lĩnh vực tài chính. Trải qua nhiều công việc, lại được trực tiếp tham gia vào quy trình tuyển dụng, mình chợt hiểu hơn về những điều mà các nhà tuyển dụng, những công ty đang thực sự tìm kiếm ở ứng viên của họ.

Mình cũng thường xuyên nhận được nhiều câu hỏi, dạng như là, em là sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm đi làm, em cũng muốn thử sức ở một lĩnh vực hoàn toàn mới so với ngành học hiện tại, vậy em phải làm sao để mình là người được chọn?

Bài viết dựa trên những trải nghiệm của bản thân về những tiêu chí mà nhà tuyển dụng hướng tới bên cạnh những yếu tố cơ bản về học vấn, kinh nghiệm hay kiến thức chuyên môn, hi vọng sẽ hữu ích cho các bạn sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm đi làm

Contents

1. Có định hướng công việc và mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng

Nhà tuyển dụng cần gì ở một ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm

Hãy thử nghĩ mà xem, có nhà tuyển dụng nào tuyển người vào, mất rất nhiều công sức và thời gian đào tạo trong khi không chắc chắn người đó có ý định theo đuổi công việc này một cách lâu dài hay không, họ gắn bó được với công ty bao lâu. Để rồi ba bữa nửa tháng lại phải lóc cóc đi tìm ứng viên mới do nhân viên hiện tại thấy mình không phù hợp với lĩnh vực này?

Nếu như bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn cần phải có trong mình một định hướng nghề nghiệp rõ ràng về ngành nghề hoặc lĩnh vực mà bạn muốn theo đuổi, và bạn quyết tâm muốn theo đuổi nó đến cùng. Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì, bạn muốn mình sẽ ở đâu trong vài năm sắp tới, đó sẽ câu hỏi bạn cần tìm ra cho chính bản thân mình và thể hiện nó với nhà tuyển dụng của bạn.

Hãy dừng ngay việc liệt kê những điều chung chung sáo rỗng trong mục “Mục tiêu nghề nghiệp” trên CV của bạn. Hãy tìm cách thấu mình trước, hiểu rõ mình đang cần gì, muốn theo đuổi điều gì và khi đã chắc chắn rồi thì viết nó một cách rõ ràng cụ thể và chi tiết nhất vào chiếc CV ứng tuyển.

2. Con người và mindset của bạn có phù hợp với môi trường, văn hóa của công ty?

Sau phần định hướng, thứ nhà tuyển dụng quan tâm tiếp theo không phải là danh sách các hoạt động ngoại khóa hay thành tích học tập của bạn, mà là chính con người của bạn.

Thực ra cái này sẽ thể hiện rõ trong các cuộc phỏng vấn khi nhà tuyển dụng trực tiếp trao đổi với bạn hơn là trên CV hay chiếc đơn ứng tuyển. Tuy nhiên, để không khiến bản thân trở nên bị động, bạn cũng cần tự trả lời cho mình những câu hỏi như thế này trước khi quyết định nộp đơn vào bất cứ doanh nghiệp nào.

Hãy tìm hiểu về môi trường, về con người và về văn hóa nội bộ của công ty mà bạn muốn ứng tuyển. Không phải để trả lời được câu hỏi khi đi phỏng vấn, mà là để bạn thực sự xác định đúng đâu là môi trường làm việc lý tưởng dành cho mình, để bạn biết được đó có thực sự là nơi mà bạn muốn gửi gắm và cống hiến hết mình trong nhiều năm sắp tới không.

Bạn là người như thế nào? Bạn muốn bản thân sẽ được làm việc trong một môi trường ra sao? Con người ở đó như thế nào thì sẽ phù hợp với tính cách của bạn? Bạn đang theo đuổi những giá trị hay sứ mệnh gì? Công ty đó có hướng đến những giá trị như thế giống bạn không?

Quá trình ứng tuyển vốn dĩ luôn là mối quan hệ hai chiều. Bạn tìm được nơi phù hợp để cống hiến, và công ty tìm được một cá nhân phù hợp để bồi dưỡng và trau dồi. Hãy tự hỏi mình lần lượt những câu hỏi bên trên để xác định chính xác nơi mà bạn nên thuộc về nhé!

3. Bạn có trong mình một tinh thần sẵn sàng học hỏi và luôn luôn cầu tiến?

Bạn không nhiều kinh nghiệm liên quan đến vị trí ứng tuyển, nhưng tinh thần học hỏi và sẵn sàng cống hiến của bạn được đến đâu?

Bạn có phải người chưa bắt đầu đã ngại khổ, ngại khó? Bạn có phải người bị sếp mắng hai câu là tự ái đòi nghỉ việc? Bạn có ngại những thử thách và áp lực mà công việc bạn sắp ứng tuyển mang tới? Sự kiên trì và sức chịu đựng của bạn được đến đâu?

Nhà tuyển dụng có thể chấp nhận một ứng viên không hoàn toàn xuất sắc, nhưng người đó cần có một thái độ khiêm tốn và tinh thần luôn săn sàng học hỏi, chịu lắng nghe và sửa đổi. Không ai nỡ đuổi việc một nhân viên năng suất làm việc chưa cao nhưng luôn cố gắng ở lại công ty sau cùng để hoàn thành cho hết công việc được giao. Không ai nỡ đuổi việc một người dù cho bị bắt sửa lại bản thảo công việc 100 lần vẫn kiên nhẫn mang về sửa từng lỗi nhỏ.

Thái độ quan trọng hơn năng lực, đó là thứ mà nhà tuyển dụng cần ở những sinh viên mới ra trường.

4. Bạn có thể không có nhiều kinh nghiệm nhưng không nên thiếu những trải nghiệm

Không có nhà tuyển dụng nào chấp nhận thông qua một chiếc CV trống không không có lấy một chút trải nghiệm hay hoạt động nào trong suốt từng ấy năm học đại học.

Bạn có thể chỉ trải qua một số vị trí công việc nhỏ, đó có thể chỉ là những công việc bán thời gian như phát tờ rơi, chạy bàn hay gia sư cho một vài em học sinh nào đó. Đó có thể chỉ là những hoạt động ngoại khóa nhỏ nhoi, những dự án xã hội, CLB hay hoạt động thiện nguyện mà bạn tham gia ngoài giờ học trên trường. Đó có thể là một khóa học kĩ năng, một vài buổi workshop, hội thảo mà bạn thường xuyên đăng kí tham gia trên các diễn đàn hay mạng xã hội,…

Điều đó không quan trọng, điều quan trọng là, bạn không để bản thân đứng yên một chỗ với cái lí do em muốn tập trung vào việc học tốt trên trường. Bạn cần có những trải nghiệm, những thứ mà thông qua nó, nhà tuyển dụng sẽ thấy được phần nào tinh thần học hỏi, sự cố gắng vươn lên và thay đổi không ngừng của bạn, nhà tuyển dụng phần nào thấy được vốn sống và những kĩ năng mà bạn sở hữu sau từng ấy năm mài đũi quần trên mái trường đại học.

Và những thứ như thế níu kéo nhà tuyển dụng cân nhắc lựa chọn bạn dù cho kinh nghiệm của bạn có thể chưa liên quan lắm đến vị trí mà người ta đang tìm kiếm.

5. Quyết tâm và mong muốn vào công ty của bạn đến mức nào

Một trong những điều mà các nhà tuyển dụng vô cùng tối kị, đó là tình trạng không nhìn thèm nhìn mặt mà rải CV. Ứng viên khao khát tìm việc và thậm chí không biết mình đang ứng tuyển những chỗ nào, môi trường ở đó như thế nào, có thực sự phù hợp với mình không? Để rồi đến lúc được HR gọi điện phỏng vấn, thì ú ớ em không nhớ công ty mình là công ty nào nhỉ?

Bạn có thể không có nhiều kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của bạn cũng chưa sâu, nhưng bạn không thể để nhà tuyển dụng thấy một bản thân không có lấy một điểm gì để họ cân nhắc.

Có những bạn trẻ, họ không có background học tốt, họ cũng chưa từng trải qua những công việc liên quan, nhưng họ có đủ mong muốn và khát khao được trở thành một phần của doanh nghiệp. Họ thể hiện điều đó bằng cách nào đây?

Thay vì chỉ gửi những chiếc CV rỗng không, họ đầu tư vào từng câu chữ trong chiếc Cover letter, họ kể câu chuyện và hành trình của họ trong đó, họ thể hiện niềm thích thú say mê với công việc, và đặc biệt, với công ty mà họ đã mơ ước từ lâu. Họ lay động nhà tuyển dụng bằng tấm lòng giản dị và những khát khao như thế.

Hãy nghĩ mà xem, khi bạn là nhà tuyển dụng, bạn có muốn nhận họ vào và bồi dưỡng họ trở thành một người có ích cho công ty hay không. Khi chúng ta không có gì, thì ít ra, chúng ta vẫn cần có một thái độ chân thành và tấm lòng khát khao được cống hiến.

Hãy hiểu rõ về nơi mà bạn đang ứng tuyển.

Đó cũng là kết thúc cho bài chia sẻ của mình dành cho những bạn trẻ đang có bên trong những lo lắng và trăn trở về khi bắt đầu tham gia vào thị trường việc làm ngoài xã hội. Hi vọng rằng các bạn nhận thêm điều gì đó hữu ích cho bản thân mình sau những trải nghiệm mà mình chia sẻ.

Mình là Quỳnh Anh – Blogger tại Quanh With GenZ và làm HR tại Take Profit VN

Ngoài ra, nếu hữu duyên, bạn nào đó chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng có trong mình đủ tinh thần và thái độ sẵn sàng học hỏi, hãy liên lạc với mình, biết đâu mình có thể mang đến cho bạn cơ hội việc làm nào đó trong thời gian đại dịch khó khăn này.

Hãy luôn nhớ, mình ở đây để sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ các bạn trẻ gen Z giống như mình. Love!!

Recommended Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *