Một chiếc CV như nào sẽ thu hút nhà tuyển dụng?

Cách viết CV thu hút nhà tuyển dụng

Mỗi ngày, bộ phận HR của các công ty sẽ nhận về rất nhiều CV và đó cũng là lí do vì sao rất nhiều CV sẽ bị loại nếu như các bạn không có điểm gì thu hút để níu chân HR lựa chọn mình.

Lúc đầu mình cũng không hiểu nhiều về nguyên tắc scan CV của các anh chị HR, cho đến khi mình trực tiếp trải nghiệm công việc này, mình mới hiểu tại sao lại có nhiều CV bị loại đến vậy. Dưới đây là một số trải nghiệm mà bản thân đúc rút được, hi vọng sẽ giúp ích phần nào cho các bạn sinh viên đang hoang mang với bài toán “Làm thế nào để CV trở nên ấn tượng hơn trong mắt nhà tuyển dụng” nhé:

Contents

1. Tạo ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên

Không một nhà tuyển dụng nào muốn tiếp tục đọc chiếc CV của bạn nếu như nó không được trình bày một cách rõ ràng, logic và ưa nhìn. Bạn đừng đánh giá thấp hình thức bên ngoài của CV nhé. Bởi vì, qua cách trình bày CV, nhà tuyển dụng cũng đã phần nào đánh giá được con người của bạn, sự chỉnh chu, chuyên nghiệp đều thể hiện qua từng chi tiết nhỏ nhất.

Hãy luôn để ý tới những chi tiết sau khi bắt đầu thiết kế CV ứng tuyển của bạn:

  • Bố cục CV cần rõ ràng, logic, thiết kế ưa nhìn, không quá màu mè sặc sỡ
  • Để gây ấn tượng hơn nữa, bạn có thể sử dụng màu thương hiệu công ty làm màu cho CV của bạn
  • Hãy luôn đảm bảo rằng bạn không phạm phải những lỗi ngớ ngẩn về chính tả, dấu câu, gạch đầu dòng, dãn cách,…
  • Trình bày câu chữ rõ ràng, xúc tích, tách các ý ra, đừng viết một đoạn văn mà không chấm, không phẩy, nhà tuyển dụng sẽ không mất thời gian ngồi đọc CV của bạn đâu. Mình khuyến khích bạn nên chia ý càng nhỏ càng tốt nhất là ở phần kinh nghiệm làm việc, mỗi đầu công việc nên là một gạch đầu dòng để người đọc dễ nắm bắt được bạn đã làm bao nhiêu đầu công việc chính và cụ thể nó là cái gì nha.
  • Dùng từ ngữ cũng nên sắt thép và cô đọng vào chứ đừng nên viết quá dài dòng, lan man.
  • Không xưng hô ở ngôi thứ nhất, không đưa quan điểm, ý kiến cá nhân vào CV sẽ làm CV của bạn trở nên thiếu chuyên nghiệp.

2. Đảm bảo đưa ra đủ các thông tin cần thiết

Mình hay bắt gặp có những CV thiếu rất nhiều những thông tin khá quan trọng để quyết định xem các bạn ứng viên có đủ điều kiện để đi tiếp hay không. Chính vì vậy, hãy luôn đảm bảo bạn đưa ra đủ những phần thông tin cơ bản cần có sau của một chiếc CV nhé:

  • Thông tin chung: Ảnh cá nhân (đủ lịch sự và chuyên nghiệp), tên vị trí ứng tuyển, Họ tên, số điện thoại, email, địa chỉ, ngày tháng năm sinh (sẽ có những công việc giới hạn độ tuổi nên các bạn nhớ đề cập vào CV để nhà tuyển dụng nhận biết nhé)
  • Trình độ học vấn: Tên trường, tên ngành, năm tốt nghiệp (nếu có) là ba thứ bắt buộc. Ngoài ra, nếu bạn có những thành tích nổi bật như điểm GPA cao, danh hiệu sinh viên năm tốt, giải NCKH, bằng cấp chứng chỉ,… đừng quên nêu ra bởi vì đó sẽ là điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng đó.

Thông thường mình thấy nhiều bạn coi thường mục này, chỉ ghi mỗi tên trường, tên ngành, điểm GPA hoặc bằng tốt nghiệp, ngoài ra không đề cập gì thêm. Như vậy, trông chiếc CV của bạn thực sự rất đơn điệu và mờ nhạt. Nhiều khi các sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm níu chân nhà tuyển dụng là ở điểm này, những thành tích nổi bật ở trường, các cuộc thi và các dự án,…

  • Kĩ năng: Cái này mình hay thấy các bạn thường đưa vào giống như cho có vậy, và nó khiến nhà tuyển dụng thực sự ngán ngẩm và chẳng thèm để ý đến những kĩ năng mà bạn kể.

Hãy liệt kê kĩ năng chuyên môn và kĩ năng mềm, đặc biệt là những kĩ năng liên quan đến vị trí ứng tuyển, nhưng đừng quên giải thích hoặc có gì đó minh chứng cho kĩ năng mà bạn kể.

Ví dụ như kĩ năng tin học văn phòng thì minh chứng bằng việc bạn có chứng chỉ tin học chẳng hạn, hoặc kĩ năng viết content thì bạn sở hữu blog/fanpage riêng với bao nhiêu lượt like/follow gì đó, và hàng ngày bạn đều đăng các bài viết lên các trang đó,…

  • Kinh nghiệm: Phần này bạn sẽ liệt kê các kinh nghiệm làm việc của bạn theo mốc thời gian từ hiện tại về quá khứ vì nhà tuyển dụng sẽ quan tâm tới công việc gần nhất của bạn cho nên chúng cần được đặt lên đầu.

Kinh nghiệm sẽ bao gồm Tên công ty, tên vị trí của bạn, những công việc bạn đã làm ở vị trí đó và thành tích hoặc những đóng góp bạn làm được cho công ty cũ. Cụ thể về cách làm thế nào để nổi bật kinh nghiệm của bạn trên CV, mình sẽ nêu tiếp ở phần dưới nhé.

  • Hoạt động ngoại khoá, cộng đồng: Đối với các sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm thì bạn cũng nên tận dụng mục này để thể hiện sự năng động và nhiệt huyết của bản thân trong quá trình đi học. Ngoài ra, hoạt động trong các dự án hay tổ chức còn có thể là minh chứng rất lớn cho những kĩ năng làm việc của bạn trước mặt nhà tuyển dụng, vì vậy hãy chọn lọc và biết cách liên kết công việc của bạn trong các dự án với vị trí bạn đang ứng tuyển nhé.

3. Đừng bao giờ quên mục Career Objective (Mục tiêu nghề nghiệp)

Như mình đã giải thích ở bài viết trước về những điều mà nhà tuyển dụng quan tâm ở một ứng viên, mục tiêu nghề nghiệp sẽ là thứ không thể thiếu trong một chiếc CV. Hơn thế nữa, phần này cần được viết rõ ràng, cụ thể và chi tiết về cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để nhà tuyển dụng xác định rõ ràng về định hướng và con đường mà ứng viên này đang muốn theo đuổi. Từ đó mới quyết định xem có nên để ứng viên đi tiếp vào các vòng sau hay không.

Chính vì thế, dù cho bạn có viết mục này trong CV nhưng bạn cũng chỉ nói chung chung bay bổng thì nhà tuyển dụng cũng có thể đánh trượt bạn nhé, vì mục tiêu của bạn quá mơ hồ trong mắt họ.

Một Career Objective đầy đủ sẽ thường bao gồm: Giới thiệu qua về bản thân và định hướng nghề nghiệp short & long term; Kĩ năng hiện có từ quá trình học và làm trước đó, từ đó nói qua về việc bạn có thể đóng góp gì cho vị trí đang ứng tuyển.

Tóm lại, thiếu gì thì thiếu những không được thiếu định hướng và mục tiêu nghề nghiệp nhé. Đừng làm một cái CV rùi rải đi tất cả các job, chỉ khiến cho CV của bạn thêm mờ nhạt trong mắt nhà tuyển dụng mà thôi.

4. Không dài dòng, đi thẳng vào trọng tâm, biết chọn lọc thông tin cần thiết.

Có rất nhiều bạn sinh viên năng động, tham gia rất nhiều các hoạt động ngoại khóa, rất nhiều công việc khác nhau. Và rồi, các bạn mắc phải một lỗi vô cùng nghiêm trọng, bê tất cả mọi thứ nhồi nhét vào một chiếc CV. Với những CV như vậy, nhà tuyển dụng thực sự sẽ rất rối mắt, không biết nên lựa thông tin nào để đọc, thông tin nào bỏ qua.

Hơn thế nữa, việc cố gắng nhồi nhét tất cả các hoạt động, công việc bạn đã trải qua vào một chiếc CV sẽ khiến cho CV của bạn không còn chỗ trống để bạn trình bày chi tiết về từng vị trí bạn đã làm. Nhà tuyển chẳng thể cảm nhận được sự tiềm năng của ứng viên nếu như CV của ứng viên đó chỉ dừng lại ở việc liệt kê nơi làm việc, vị trí công việc, ngoải ra không có thêm thông tin mô tả chi tiết về hoạt động, kết quả đạt được.

Tóm lại, chỉ chọn lọc những thông tin thật sự chất lượng, thật sự liên quan và cần thiết đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển để đưa vào CV, luôn đọc lại 1 – 2 lượt để lọc ra các từ khóa, loại bỏ các cụm thừa, rồi viết lại thành 1 – 2 câu cô đọng nhất nhằm giải thích và nhấn mạnh những điểm nổi bật cho từng đề mục.

Cách làm nhanh nhất ở đây là: quay lại phần mô tả của vị trí ứng tuyển, đi thẳng đến phần yêu cầu và gạch chân những “từ khóa”.

Sau đó, soát lại một lượt những kinh nghiệm/thành tích của mình trong quá khứ, xem xem những hoạt động/kinh nghiệm nào có liên quan trực tiếp? Những hoạt động nào mình có thể “translate” ra thành kinh nghiệm liên quan để chứng minh? Tránh việc liệt kê tất tần tật những gì mình đã làm và không thể hiện được độ “tập trung” và “liên quan” tới vị trí mình đang nộp hồ sơ.  

5. Biết cách kết nối kĩ năng kinh nghiệm đã có với yêu cầu của nhà tuyển dụng

“Không phải bạn nào cũng làm đúng ngành mình học vậy phải làm sao để thể hiện được sự liên quan, kỹ năng/ kinh nghiệm trên CV?”

Lời khuyên của mình là hãy tận dụng transferable skills. Transferable skills là những kỹ năng có thể chuyển đổi và thích ứng với những công việc khác nhau. Ví dụ bạn từng làm cộng tác viên viết báo hoàn toàn có thể tận dụng kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của mình để chuyển sang làm nội dung trên social media cho một doanh nghiệp hoặc vị trí copywriter cho Agency truyền thông. Hay ứng viên có kỹ năng nghiên cứu, phân tích, làm việc tốt với các con số từ làm việc cho doanh nghiệp về kiểm toán, kế toán hoàn toàn có thể tận dụng điểm mạnh của mình chuyển sang làm nghiên cứu thị trường.

Nói chung, có rất nhiều bộ kỹ năng có thể thích ứng được với nhiều vị trí công việc khác nhau. Nhiệm vụ của bạn là, phải làm sao để kết nối được những kĩ năng kinh nghiệm mà bạn có từ những vị trí trước đó với những thứ mà nhà tuyển dụng đang cần rồi lồng ghép chúng vào CV một cách hợp lí và khéo léo.

Về bản chất: trước khi cắm đầu vào liệt kê tràn lan nhiều thông tin, bạn nên tự hệ thống lại những gì mình đã làm/trải qua và kết nối những sự kiện với nhau xem xem nó thực sự nhìn có “liên quan” gì không? Nếu thoạt đầu nhìn không liên quan lắm thì liệu có cách nào làm nó “liên quan” không?

Ví dụ: Có rất nhiều kỹ năng mang tính chuyển đổi cao như: kỹ năng viết luận, kỹ năng xử lý số liệu, kỹ năng thiết kế và quản lý dự án, vân vân. Vì vậy, bạn phải biết cách kết nối và nhìn nhận kinh nghiệm của bản thân một cách đa chiều hơn để tự tìm ra được điểm mạnh của mình.

Luôn nhớ rằng, đừng bao giờ để nhà tuyển dụng đọc CV của bạn mà không thấy bất kì sự liên quan nào đến vị trí công việc mà họ đang cần.

6. CV cần có điểm những điểm nhấn nhất định

Mỗi ngày, nhà tuyển dụng phải lọc rất rất nhiều CV khác nhau, và nếu CV nào cũng chỉ dừng lại ở việc liệt kê kinh nghiệm, hoạt động hay những công việc đã làm thì chắc chắn chúng chả thể để lại chút ấn tượng nào khiến nhà tuyển dụng muốn hẹn phỏng vấn ngay tức khắc cả.

Kinh nghiệm của mình là, đừng bao giờ copy nguyên phần JD công việc paste vào CV hoặc gạch đầu dòng kể ra những chi tiết nhỏ lẻ nhàm chán như viết báo cáo, theo dõi số liệu,.. Thay vào đó hãy lượng hóa mọi thành tựu, kết quả nổi bật nhất trong kinh nghiệm của bạn để cho vào CV và highlight những con số ấn tượng ấy lên (bằng cách in đậm/nghiêng/gạch chân,…)

Hãy nhớ, mọi chi tiết trong CV chỉ là để hướng đến một mục đích duy nhất, chứng tỏ rằng bạn có tố chất, có kinh nghiệm phù hợp với vị trí đang ứng tuyển. Vậy thì có nhà tuyển dụng nào đánh giá cao những gạch đầu dòng mờ nhạt chỉ đơn giản là đưa ra thông tin mà không có chút số liệu, thành tích hay kết quả công việc của bạn không.

Thay vì viết “Quản lí fanpage” – viết bài post facebook, giải đáp thắc mắc. Tại sao bạn không biết “Quản lí một fanpage hơn 20k followers, trung bình một tuần đăng 4 bài post, mỗi bài đạt được hơn 5k lượt reach, 1-2k lượt tương tác, chia sẻ và bình luận,…” Có phải mọi thứ đã trở nên rõ ràng và ấn tượng hơn trước nhiều không. Hãy đưa con số vào để chứng thực thông tin bạn đưa ra nhé.

Tóm lại, hãy luôn tập trả lời những câu hỏi: Mình đang apply vị trí gì? Những kỹ năng/kiến thức/trải nghiệm nào của mình sẽ liên quan đối với vị trí đó?… Tạo điểm nhấn bằng cách trình bày chi tiết hơn thông tin về phần đó so với những phần khác, đặt ở vị trí nổi bật hơn…

Cuối cùng một vài lưu ý nhỏ cho những bạn chưa có kinh nghiệm làm CV và gửi CV:

  • Đừng gửi chỏng trơ mỗi chiếc CV cho nhà tuyển dụng nhé, các bạn sẽ bị đánh giá thấp về kĩ năng giao tiếp ứng xử đó. Ít ra hãy thưa gửi rồi giới thiệu một chút về bản thân mình và lí do ứng tuyển sau đó mới đính kèm thêm CV ở dưới để nhà tuyển dụng cảm nhận được thái độ cầu thị và chân thành của bạn khi đi ứng tuyển nhé.
  • Nhớ đặt đúng tiêu đề mail khi gửi CV ứng tuyển theo yêu cầu của nhà tuyển dụng (Nếu không có thì cũng vẫn cần có tiêu đề nhé, thông thường sẽ là Tên vị trí – Tên ứng viên)
  • Nhớ đổi lại tên file CV trước khi gửi (ví dụ: CV Nguyễn Văn A – Content Creator), đừng để lù lù chữ Top CV mất cảm quan lắm nha
  • Nên gửi file CV dạng PDF chứ đừng gửi file word hay ảnh hay định dạng lạ nào đó nhé, vì khi bạn gửi cho các thiết bị khác nhau có thể gặp trường hợp lỗi font hoặc không mở được.
  • Cuối cùng, đừng quên kiểm tra kĩ lại toàn bộ CV trước khi gửi để đảm bảo không thiếu xót mục nào, không sai mấy lỗi vẩn vơ nào đó, cũng như kiểm tra cả email bạn viết cho nhà tuyển dụng xem đúng địa chỉ mail, đúng công ty chưa và đã đính kèm đầy đủ các file cần thiết chưa nha. Mấy cái này tuy nhỏ nhưng vẫn có nhiều bạn mắc phải lắm đó.

Trên đây là một số những đúc kết của mình sau một thời gian trải nghiệm công việc screen CV của các bạn ứng viên, hi vọng chúng sẽ hữu ích với các bạn, cũng như sẽ giúp bạn thể hiện CV ấn tượng hơn trước mặt nhà tuyển dụng bạn nhé!

Recommended Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *