5 yếu tố tạo nên môi trường làm việc lí tưởng cho sinh viên mới ra trường

Môi trường làm việc lí tưởng cho sinh viên mới ra trường

Lựa chọn nơi làm việc đầu tiên sau khi ra trường luôn là một bước đệm cực kì quan trọng cho sự phát triển và định hình nghề nghiệp của một sinh viên vừa mới tốt nghiệp. Tuy nhiên, mình nhận thấy đa phần các bạn trẻ hiện nay, ngay khi vừa tốt nghiệp, chỉ muốn nhanh chóng kiếm được một công việc mới với mức lương ổn định và có chỗ nương tựa gửi gắm thay vì chú trọng tìm kiếm một môi trường làm việc phù hợp với tính cách, con người và định hướng lâu dài của các bạn.

Đối với mình, môi trường làm việc thậm chí quan trọng hơn mức lương và thu nhập gấp nhiều lần. Bởi, chỉ cần chọn được một môi trường làm việc thực sự phù hợp, bản thân mình sẽ được đón nhận đầy đủ những yếu tố giúp mình phát triển kĩ năng, kiến thức, và tư duy một cách vượt trội và lâu dài. Và đó chắc chắn là nền tảng vững chắc để mình ngày một tiến bộ và thăng tiến nhanh hơn trong công việc.  

Hi vọng những tiêu chí mà mình đề cập trong bài viết dưới đây sẽ giúp ích phần nào đó cho những định hướng tương lai của bạn trong việc chọn lựa một môi trường làm việc lí tưởng cho mình:

Contents

1. Sếp có tâm, có tầm

Môi trường làm việc lí tưởng cho sinh viên mới ra trường - Sếp có tâm có tầm

Một người sếp giỏi không chỉ là tấm gương và là nguồn động lực để bạn phấn đấu, đó còn là người sẽ giúp bạn học hỏi được vô số thứ từ cách làm việc, từ kiến thức, kĩ năng đến thái độ chuẩn chỉnh và đúng mực.

Sếp cũng sẽ là người nhìn thấu điểm mạnh, điểm yếu của bạn, từ đó, trao cho bạn những cơ hội để phát huy tối đa điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu còn tồn tại. Sếp chính là người làm việc trực tiếp với bạn, là người có thể nâng đỡ và đưa cho bạn nhiều lời khuyên, feedback để bạn dần tiến bộ và nâng cấp bản thân mỗi ngày.

Đó chính là một người sếp có tầm, vậy còn có tâm?

Người sếp có tâm chính là người không coi bạn là nhân viên cấp dưới để sai vặt, chỉ đạo. Họ coi bạn là trợ thủ đắc lực, là đồng đội của họ. Người sếp ấy sẽ là người thay vì liên tục trách mắng, áp đặt bạn, họ sẽ động viên, khuyến khích và tạo động lực để bạn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt các công việc của mình.

Có được một người sếp có tâm, có tầm mới là điều quý giá nhất ở một môi trường làm việc.

2. Môi trường được học hỏi, được phát triển và nâng cấp bản thân

Môi trường làm việc lí tưởng - được phát triển nâng cấp bản thân

Đối với một sinh viên mới ra trường, không có gì quý hơn việc được học hỏi và được phát triển càng nhiều càng tốt. Vì thế, đây là tiêu chí gần như không thể thiếu khi cân nhắc chọn nơi làm việc lí tưởng sau khi ra trường.

Hãy bắt đầu tìm hiểu kĩ về những công ty mà bạn đang có ý định ứng tuyển. Hãy xem xem họ có những chương trình training bài bản chi tiết cho nhân viên mới của họ không, công ty có thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo định kỳ cho nhân viên không, hãy xem xem nhân viên của họ nói gì về cơ hội học tập và phát triển ở công ty đó. Hãy quan sát và tìm hiểu thật kĩ về cơ hội học hỏi, phát triển tại nơi bạn sắp ứng tuyển.

3. Bạn được trao quyền và có tiếng nói riêng

Một môi trường làm việc tuyệt vời là nơi tất cả mọi thành viên đều có quyền được cất lên tiếng nói, đều được tôn trọng và thoải mái bày tỏ quan điểm ý kiến của mình mà không có sự e rè sợ hãi.

Đó sẽ là nơi diễn ra sự trao đổi thông tin hai chiều, sếp trao đổi thảo luận với nhân viên và nhân viên có quyền đóng góp ý kiến và nêu lên những ý tưởng sáng tạo của bản thân mình. Đó không phải là những thông tin một chiều, sếp đưa ra yêu cầu và nhân viên răm rắp làm theo. Đó sẽ là nơi tất cả mọi người cùng làm việc, cùng cống hiến và đóng góp sức mình cho sự phát triển và những mục tiêu chung của tổ chức.

Là một người đang được trải nghiệm văn hóa làm việc bình đẳng ấy, mình thực sự tin rằng, khi một tổ chức không tồn tại quá nhiều khoảng cách giữa sếp và nhân viên, hi tất cả cùng coi nhau như cộng sự, họ coi tổ chức như là tổ chức của chính mình, họ sẽ cùng nhau cống hiến hết mình vì lí tưởng và sứ mệnh chung của tổ chức ấy. Cuối cùng, họ cùng nhau phát triển và đi lên, không có bất cứ ai bị bỏ lại.

Ví dụ ở công ty mình không có khái niệm nhân viên mà chỉ có khái niệm những người cộng sự. Bởi vì đối với các sếp của mình, nhân viên là nhân tố quan trọng đi cùng với sự phát triển của tổ chức.

4. Bạn nhận được sự công nhận xứng đáng

Môi trường làm việc lí tưởng - Nhận được sự công nhận xứng đáng

Ngoài những yếu tố trên, có một yếu tố mà mình nghĩ, nó sẽ quyết định phần lớn đến việc một nhân viên có làm việc và gắn bó với công ty lâu dài hay không. Đó là sự công nhận.

Nếu như môi trường làm việc của bạn chỉ tồn tại trách nhiệm và những công việc cần hoàn thành. Ngày này qua tháng khác, bạn chỉ đi làm và nhận task được giao từ sếp, bạn không cảm nhận được bất cứ sự động viên khuyến khích hay đánh giá tương xứng cho những gì bạn đã tạo ra. Mình có thể chắc chắn, ngày mà bạn xin nghỉ việc sẽ không còn quá xa.

Một môi trường làm việc lí tưởng đối với mình, sẽ là nơi mà mình cảm nhận rõ rệt được những giá trị mà mình đang đóng góp cho tổ chức, mình cảm thấy bản thân hữu ích với công ty, và mình thường xuyên nhận được sự động viên, đánh giá và khích lệ tương xứng với những gì mà mình đã làm được.

Và đối với bất kì công ty nào, mình tin chắc rằng đây sẽ là yếu tố không thể thiếu để họ giữ chân nhân tài ở lại bên cạnh họ lâu dài.

5. Bạn có những người đồng nghiệp như gia đình

Môi trường làm việc lí tưởng - đồng nghiệp thân thiện

Ngoài những yếu tố liên quan đến sếp, cơ hội học tập, phát triển, sự công nhận xứng đáng, một yếu tố khác cũng sẽ quyết định đến sự gắn bó lâu dài của một nhân viên với tổ chức, chính là mối quan hệ với đồng nghiệp.

Đồng nghiệp thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau cũng là tiêu chí quan trọng giúp sinh viên mới ra trường lựa chọn được môi trường làm việc lý tưởng. Vì như thế thì các bạn sẽ học được rất nhiều điều, tiến bộ rất nhanh, nếu có chỗ nào chưa hiểu hoặc làm sai cách thì sẽ đều được các anh chị trong công ty hướng dẫn lại kỹ càng. Mà các anh chị ấy lại thân thiện, dễ gần nữa thì các em càng thoải mái hơn khi hỏi những điều mà mình thắc mắc.  

Nếu một nhân viên không thể hòa nhập được với môi trường làm và những đồng nghiệp của họ trong cùng một công ty, họ cảm thấy bản thân bị lạc lõng hoặc bị bỏ lại trong chính môi trường làm việc của họ, thì dù họ có yêu thích công việc ấy ra sao, họ cũng sẽ từ bỏ công việc ấy.

Cho nên, mình hi vọng, ngoài yếu tố tiền lương hay thu nhập, các bạn sẽ tập trung và chú trọng cả vào việc tìm ra một môi trường làm việc lí tưởng cho bản thân mình. Để nơi đó không chỉ là nơi bạn làm việc, mà còn là nơi bạn gắn bó và coi như ngôi nhà thứ 2 của mình.

Hi vọng bài viết và những chia sẻ của mình hữu ích với bạn.

Recommended Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *