Kinh nghiệm apply thành công các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, dự án xã hội

Kinh nghiệm apply thành công hoạt động ngoại khóa

Sau bài viết về top 6 lí do tại sao bạn nên tham gia CLB và các dự án xã hội từ khi là sinh viên, mình nhận được nhiều câu hỏi về việc làm sao để ứng tuyển thành công vào các CLB, dự án hay các tổ chức phi chính phủ,…khi chưa có nhiều kinh nghiệm.

Chính vì thế, hôm nay, mình quyết định tiếp tục chuỗi bài về các hoạt động ngoại khóa và dự án bằng việc chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong việc ứng tuyển CLB và các dự án xã hội từ khi là sinh viên năm nhất năm hai nhé:

Contents

1. GIAI ĐOẠN 1: CHỌN LỌC VÀ CHUẨN BỊ

Chọn lựa hoạt động ngoại khóa

Hiện nay, nếu tham gia các group sinh viên và hoạt động ngoại khóa, không khó để bạn bắt gặp vô vàn các dự án lớn nhỏ khác nhau đăng bài tuyển thành viên trên khắp cả nước. Tương tự với câu lạc bộ, trên các diễn đàn của Khoa, của Trường, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy số lượng lớn của các câu lạc bộ với đầy đủ các lĩnh vực, chuyên ngành, kĩ năng, hoạt động tình nguyện,…đang hoạt động đầy sôi nổi.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là, cần phải tham gia bao nhiêu câu lạc bộ và dự án, và tham gia những nơi như nào cho đủ, cho đúng?

Đây là câu hỏi rất quan trọng mà bạn cần trả lời cẩn thận trước khi quyết định apply cho bất cứ CLB, dự án hay tổ chức nào. Bởi, nó sẽ ảnh hưởng đến sự hứng thú, nhiệt huyết và cả hiệu quả hoạt động của bạn khi tham gia dự án đó.

Thậm chí, hiện nay, mình thấy rất nhiều bạn sinh viên đang ồ ạt tham gia các CLB và dự án một cách vô tội vạ mà không hề có sự cân nhắc nào trước khi tham gia. Đây chính xác là con dao hai lưỡi dẫn các bạn đến tình trạng chạy deadline từ chỗ này qua chỗ khác, không tập trung dành thời gian và tâm huyết cho riêng một tổ chức nào, rồi các bạn mệt mỏi, chán nản và chẳng nhận được gì sau khi tham gia hàng loạt các dự án như thế ngoài những chiếc giấy chứng nhận rỗng không.

Chính vì vậy, trước khi quyết định nộp đơn ứng tuyển bất kì tổ chức nào, hãy dành thời gian xác định kĩ lưỡng:

VỀ PHÍA BẢN THÂN BẠN:

  • Bạn muốn gì, bạn quan tâm điều gì: bạn định hướng trở thành người tổ chức sự kiện, bạn muốn làm truyền thông trong tương lai, bạn muốn trở thành founder của một dự án bạn ấp ủ, bạn rất quan tâm tới môi trường và mong muốn góp sức giải quyết những vấn đề về ô nhiễm môi trường, bạn trăn trở về vấn đề định hướng nghề nghiệp cho người trẻ, bạn bức xúc về vấn đề bất bình đẳng nam nữ,…
  • Mục đích tham gia của bạn là gì: rèn luyện kĩ năng mềm, tăng kiến thức chuyên môn, mở rộng mối quan hệ, tăng khả năng viết lách, làm truyền thông, hay thiết kế,…
  • Mục tiêu khi tham gia của bạn: trở thành leader ban truyền thông, mở rộng và kết nối sâu với các anh chị chuyên gia trong dự án, nắm vững quy trình tổ chức những chương trình sự kiện lớn, hay biết cách làm proposal và đi xin tài trợ từ các tổ chức lớn,…
  • Sở thích của bạn là gì: bạn thích vẽ, thích design, thích làm việc với con người, thích giúp đỡ người khác, thích âm nhạc,… hay bạn đang hứng thú và muốn thử sức với lĩnh vực nào?
  • Thời gian: Bạn có thể cam kết dành bao nhiêu thời gian cho dự án hay tổ chức đó. Bạn sẽ không thể tham gia 3 tổ chức, mỗi tổ chức 10 tiếng/tuần nếu như bạn chỉ có thời gian 10 tiếng cho tất cả những hoạt động ngoại khóa ngoài giờ của bạn.

VỀ PHÍA TỔ CHỨC BẠN MUỐN THAM GIA:

  • Vị trí ứng tuyển:

Vị trí bạn muốn ứng tuyển là gì? Công việc của vị trí đó là làm gì? Sau khi đọc xong bản mô tả công việc của vị trí ấy, bạn có muốn làm những công việc như thế không? Bạn có cảm thấy vị trí đó phù hợp với năng lực và mong muốn của bạn không? Bạn đủ điều kiện đáp ứng với vị trí đó chưa?

Hiểu rõ về vị trí bạn muốn ứng tuyển rất quan trọng trong việc giúp bạn hình dung ra những việc bạn sẽ làm sau khi tham gia tổ chức, đồng thời giúp bạn rất nhiều trong những vòng như điền đơn hay phỏng vấn sâu đó.

  • Về tổ chức bạn muốn tham gia:

+ Sứ mệnh

+ Giá trị cốt lõi mà tổ chức hướng tới

+ Văn hóa làm việc

+ Con người trong tổ chức

+ Các chương trình hoạt động mà tổ chức đó đã và đang có.

Hãy xem xét kĩ lưỡng xem giá trị và sứ mệnh mà tổ chức đó đang hướng tới có phù hợp với giá trị bạn đang theo đuổi hay không. Tìm hiểu về văn hóa và con người cũng giúp bạn rất nhiều trong việc hình dung về sự kết nối nội bộ của tổ chức đồng thời thể hiện với tổ chức lòng thành và sự quan tâm của bạn đối với tổ chức đó.

Có thể nhiều bạn sẽ thấy mỗi công đoạn chuẩn bị thôi cũng thật là dài dòng và rắc rối, nhưng đối với mình, việc hiểu rõ về từng tổ chức mình tham gia không chỉ giúp mình làm việc tốt hơn, thích ứng nhanh hơn, giúp mình dễ dàng vượt qua mọi vòng đơn và phỏng vấn mà nó thực sự giúp mình tìm ra chính xác nơi phù hợp với giá trị và định hướng của bản thân mình. Để rồi mình có thể gắn bó với tổ chức ấy trong cả 4 năm đại học mà không hề chán nản hay mệt mỏi như nhiều bạn sinh viên khác.

Trước khi nộp đơn cho bất cứ câu lạc bộ, dự án hay tổ chức nào, hãy trả lời rõ ràng tất cả những câu hỏi trên để chọn lựa ra duy nhất 1-2 câu lạc bộ hoặc dự án mà bạn cảm thấy phù hợp nhất với sở thích, nguyện vọng và định hướng của bản thân bạn.

Mỗi thời điểm, chỉ nên tham gia 1, nhiều nhất là 2 dự án hoặc câu lạc bộ, đừng để bản thân bị cuốn theo lối sống thành tích, đi rải đơn và apply hàng loạt để rồi tự khiến bản thân mệt mỏi, chán nản, và không thu được kết quả gì sau cùng nhé.

2. GIAI ĐOẠN 2: NỘP ĐƠN

vòng đơn ứng tuyển hoạt động ngoại khóa
Form tuyển vòng đơn

Đây là vòng mà chắc chắn bạn nào cũng sẽ phải trải qua nếu muốn trở thành thành viên của bất kì câu lạc bộ, dự án hay tổ chức nào.

Thông thường, vòng này sẽ là bước đầu tiên để tổ chức có được những thông tin cơ bản về bạn như tên, tuổi, trường lớp, sở thích, kinh nghiệm,…

Và tuy là vòng này chưa đòi hỏi điều gì cao siêu cả nhưng bạn không nên vì thế mà chủ quan, bởi vì hiện nay, hầu hết các bạn sinh viên đều rất năng động và số lượng nộp đơn vào các dự án hay tổ chức là vô cùng lớn.

Chính vì thế, nếu như bạn không đầu tư một cách chỉnh chu và kĩ lưỡng cho từng lá đơn của bạn, bạn có thể bị đánh bật bởi các ứng viên tiềm năng khác ngay từ vòng gửi xe đó.

Bí kíp duy nhất cho vòng này là, hãy chỉnh chu trong từng câu trả lời của bạn, hãy thể hiện hết những gì bạn có, bạn đã từng làm và đặc biệt cũng thể hiện rõ mong muốn được tham gia tổ chức ngay từ đầu để tổ chức đó thấy được sự tâm huyết của bạn dành cho họ. Nếu thật kĩ lí do bạn mong muốn tham gia tổ chức dựa vào câu trả lời từ những câu hỏi mình gợi ý ở giai đoạn 1 nhé.

Ngoài ra, đừng chỉ tập trung phô diễn hay kể lể về bản thân mình. Trước khi điền đơn, hãy đọc thật kĩ về bản mô tả vị trí mà bạn muốn ứng tuyển, xem rằng liệu bạn đang có gì phù hợp với công việc và yêu cầu mà vị trí đó đưa ra. Rồi thể hiện sự phù hợp đó qua từng câu trả lời trong lá đơn của bạn.

Ví dụ: Bạn ứng tuyển ban nội dung ban này chắc chắn cần có sự sáng tạo và khả năng viết lách. Thì thay vì chỉ trả lời rằng “Sở thích của em là đọc sách, viết lách” Bạn có thể trả lời rằng, “Em thích đọc sách và em thường tìm được nhiều ý tưởng hay từ những cuốn sách mà em đọc. Đọc nhiều sách cũng giúp ngôn ngữ của em trở nên phong phú và cuốn hút hơn. Em dành thời gian mỗi ngày để viết lách trên trang cá nhân/blog cá nhân của riêng mình, điều này giúp khả năng viết của em ngày một tiến bộ hơn”

Cuối cùng, hãy luôn thể hiện sự chỉnh chu và tôn trọng của bản thân bạn trong từng câu trả lời, dù nó có thể không hay nhưng chắc chắn ban tổ chức sẽ cảm nhận được thiện chí và mong muốn tham gia của bạn. Và nhớ đừng bao giờ trả lời bâng quơ, cộc lốc hay ngắn cụt ngủn dù cho đây là vòng đơn thôi nhé.

3. GIAI ĐOẠN 3: PHỎNG VẤN

vòng phỏng vấn hoạt động ngoại khóa

Bí quyết lớn nhất giúp một cô sinh viên vừa rụt rè, nhút nhát lại tự ti về bản thân như mình có thể thành công ứng tuyển vào các dự án lớn ngay từ khi là sinh viên năm nhất chính là tâm thế chuẩn bị kĩ lưỡng chu toàn cho mọi cuộc phỏng vấn.

Có thể nhiều bạn sẽ nghĩ, em có biết người ta sẽ hỏi gì đâu mà chuẩn bị. Và rồi, chỉ mang theo một tâm hồn thật đẹp đi phỏng vấn và rớt cái một. Đây là tình trạng khá nhiều bạn sinh viên gặp phải khi apply cho các câu lạc bộ và các dự án. Các bạn không chuẩn bị kĩ lưỡng để rồi khi bị đánh trượt cũng không biết tại sao mình lại trượt.

Mình là đứa luôn bị lo lắng cực độ trước mỗi cuộc phỏng vấn hay thuyết trình. Mình luôn tự ti về điều đó. Tuy nhiên, không vì thế mà mình coi đó là một điều dĩ nhiên và để mặc nó xảy ra phá hỏng mọi dự định của mình được.

Kinh nghiệm lớn nhất cho đến giờ phút này để bạn bớt lo lắng chỉ gói gọn trong hai từ CHUẨN BỊ. Bởi vì, một khi bạn đã chuẩn bị kĩ đến mức không thể kĩ hơn được, thì dù lúc đó bạn có run rẩy ra sao, bạn lo lắng thế nào thì bạn vẫn có thể vượt qua được. Và bởi vì bạn đã chuẩn bị thật kĩ lưỡng rồi, cho nên, mức độ lo lắng của bạn chắc chắn sẽ giảm hơn nhiều so với việc chẳng chuẩn bị gì hết.

Trước buổi phỏng vấn cho bất kì câu lạc bộ, dự án, tổ chức hay bất kì công ty nào. Mình đều dành thời gian chuẩn bị lần lượt các vấn đề như:

  • Phần giới thiệu bản thân một cách xúc tích mà ấn tượng: Khi người phỏng vấn hỏi bạn câu hỏi “Bạn có thể tự giới thiệu đôi nét về mình được không?”, người đó không có ý định muốn bạn liệt kê y sì những thông tin cơ bản trong đơn hay CV của bạn như tên, tuổi, trường, lớp, quê quán,…mà chính là muốn trao cho bạn cơ hội để gây ấn tượng với họ.

Hãy chuẩn bị phần giới thiệu để vừa nói về bản thân bạn cũng như khả năng và kinh nghiệm của bạn một cách khéo léo, vừa thể hiện được lí do và mong muốn tham gia tổ chức của bạn.

  • Lí do tham gia tổ chức: Đây là lúc bạn vận dụng tất cả những gì bạn chuẩn bị từ giai đoạn 1 (Chọn lọc và chuẩn bị), hãy chia sẻ:

+ Điểm mình ấn tượng và thích thú về tổ chức, về ban bạn ứng tuyển

+ Nói về lí do tại sao bạn hợp với văn hóa và công việc ở đây (Vì mình phù hợp với văn hóa của họ như vậy nên mình mới thích họ và apply vào tổ chức của họ)

+ Về giá trị cốt lõi và sứ mệnh của dự án, tổ chức trùng khớp như nào với sứ mệnh mình đang theo đuổi

  • Về điều mình muốn học hỏi khi vào tổ chức:

Hãy chia sẻ thật lòng và chân thành về những điều bạn muốn học được từ họ bởi vì họ thực sự muốn biết cái mình muốn học là gì để xem kì vọng của mình có hợp lí và phù hợp thứ họ có hay không chứ không phải là những câu trả lời chung chung và không thực chất. Ngoài ra, hãy chia sẻ những điều bạn thực sự ngưỡng mộ ở tổ chức của họ, muốn học từ họ thì bạn chắc chắn sẽ chiếm được cảm tình ngay từ lần đầu tiên về sự chân thành của bạn.

  • Về điểm mạnh, điểm yếu và những gì bạn có thể đóng góp:

Đừng chỉ chăm chăm tập trung nói về thứ bạn muốn học hỏi khi tham gia tổ chức ấy, mà cũng cần thể hiện rõ những thứ mà bạn có thể hỗ trợ và cống hiến cho tổ chức. Để trả lời được câu hỏi này, chắc chắn việc đọc kĩ bản mô tả về vị trí ứng tuyển sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc list ra những điểm mạnh và kinh nghiệm của bạn phù hợp như nào với yêu cầu của tổ chức và giúp tổ chức đó tốt hơn như thế nào.

Về điểm yếu, không ai là không có, nhưng hãy thể hiện cho họ thấy, bạn có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi và luôn sẵn sàng thay đổi để tốt hơn mỗi ngày thay vì biết rõ điểm yếu của bản thân nhưng không chịu khắc phục và cứ mãi giữ nguyên điểm yếu ấy.

  • Câu hỏi liên quan đến vị trí ứng tuyển chắc chắn là lúc bạn vận dụng những hiểu biết của bản thân qua việc tìm hiểu về vị trí ngay từ khi nộp khi. Hãy đọc thật kĩ bản mô tả công việc, nghiên cứu thật nhiều các tài liệu liên quan đến dự án hay tổ chức từ trang web đến fanpage hay các ấn phẩm truyền thông,…để dễ dàng vượt qua câu hỏi này nhé.

Cuối cùng, dù cho bạn đã có nhiều kinh nghiệm hay chưa từng có bất kì công việc nào, bạn cũng đừng lo lắng. Không có cách gây ấn tượng nào tuyệt vời hơn một thái độ chân thành, cởi mở, một tinh thần cầu tiến và luôn sẵn lòng học hỏi mọi thứ.

Hãy thể hiện sự chân thành, tấm lòng của bạn dành cho tổ chức, và đừng quên cam kết với chính mình và với dự án về tinh thần và thời gian mà bạn có thể dành cho tổ chức ấy nhé. Việc có thái độ tốt ngay từ đầu chắc chắn sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc phát triển nhiều nhất có thể từ dự án hay tổ chức mà bạn dự định tham gia.

Sau cùng, mình hi vọng tất cả các bạn đều có thể thành công ứng tuyển vào tổ chức mà các bạn mong muốn. Hi vọng các bạn sẽ tìm thấy nơi thật sự phù hợp và nâng đỡ các bạn trong những năm tháng tuổi trẻ của các bạn. Và nếu bạn đã đặt toàn bộ tâm sức rồi mà vẫn thất bại thì bạn cũng đừng buồn nhé, vì mình luôn quan niệm rằng, không phải vì bạn kém cỏi mà chỉ là bởi vì đó vẫn chưa phải nơi thật sự dành cho bạn mà thôi. Hãy luôn vững tin để tiếp tục tìm ra chân ái của bạn nhé.

Recommended Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *